Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Tân sinh viên trước thềm năm học mới : Niềm vui, sự háo hức xen lẫn với nhiều lo lắng, băn khoăn

  

08:32 30/08/2024

Trở thành sinh viên đánh dấu một cột mốc đáng nhớ đối với các bạn trẻ. Trong những ngày đầu tiên nhập học, các tân sinh viên cùng phụ huynh có rất nhiều cảm xúc.

Áp lực hòa nhập

Làm quen và hòa nhập với môi trường mới là nỗi lo lắng lớn nhất khi nhập học của nhiều tân sinh viên tại TP Hồ Chí Minh. Trần Minh Nguyệt (Sinh viên trường ĐH Bách Khoa) cho biết, từ nhỏ đã là một người rất hướng nội, ít chủ động làm quen với người lạ nên em khá lo với trường mới, bạn mới, cách học cũng hoàn toàn khác so với thời phổ thông.

Cao Nguyễn Khánh An (Sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) tâm sự, sau khi kết bạn với một số bạn cùng trường trên mạng xã hội, An không khỏi áp lực khi nhận thấy trong suốt thời gian cấp ba các bạn rất năng động và đạt nhiều thành tích cao. Vì vậy, An rơi vào trạng thái căng thẳng, nhiều đêm mất ngủ sợ không theo kịp bạn bè.

Cao Nguyễn Khánh An - sinh viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh

"Đôi lúc em sợ không biết mình đã chọn đúng ngành chưa. Nỗi bất an hoà nhập cũng là một trong những nguyên nhân khiến em lo lắng từ ngày kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT đến khi nhập học. Em hy vọng trường sẽ có nhiều hoạt động giúp những tân sinh viên như em dễ dàng hòa nhập hơn", Khánh An bộc bạch.

Những băn khoăn trên hành trình mới

Việc đi lại từ nơi ở đến trường, đặc biệt là trong các thành phố lớn, cũng là một vấn đề khiến không ít tân sinh viên suy nghĩ. Đưa con gái từ An Giang lên TP Hồ Chí Minh nhập học, ông Nguyễn Tấn Lâm (54 tuổi) không khỏi vì lo lắng mật độ xe cộ dày đặc, tình trạng kẹt xe, ngập nước, nguy cơ tai nạn giao thông... Sợ con gái tự điều khiển phương tiện cá nhân chưa thực sự vững, nên ông vẫn chưa quyết định mua xe máy mà hướng con sử dụng phương tiện công cộng.

Ông Nguyễn Tấn Lâm ngụ tại An Giang đưa con đi nhập học

Nguyễn Ngọc Như Ý (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng đi xe buýt vừa tiết kiệm vừa thuận tiện cho việc tránh nắng mưa, tuy nhiên vào giờ cao điểm dễ bị kẹt xe, thời gian di chuyển kéo dài dễ gây mệt mỏi và có thể ảnh hưởng đến thời gian tới trường hay tham gia các hoạt động ngoại khóa...

Trương Minh Châu (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết đã đem xe máy từ quê lên để thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, chạy xe ngoài xa lộ hoặc trung tâm khiến nữ sinh e ngại bởi tình trạng phóng nhanh vượt ẩu và kẹt xe. Lo lắng cho hành trình mới của con, cô Nguyễn Thị Bé Hai (mẹ của Minh Châu) trăn trở: "Cô cho con đi xe máy nhưng mà cũng lo lắng, đường ở thành phố thì không giống đường ở quê. Sợ con chạy xe không an toàn, mặc dù mình chạy an toàn mà người ta chạy ẩu thì mình cũng có thể bị tai nạn".

Làm thêm: nên hay không?

Nhiều tân sinh viên chia sẻ việc muốn nhanh chóng làm thêm để có thu nhập để đủ trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, đồng thời tích lũy kinh nghiệm, có thêm trải nghiệm. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa việc học và làm thêm không hề dễ dàng, đặc biệt lịch học ngày một dày hơn hoặc khi các kỳ thi đến gần.

Các tân sinh viên vừa háo hức vừa có nhiều băn khoăn trước thềm năm học mới

Gia đình không được khá giả, học Đại học đối với Quân Bảo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật) là cả sự nỗ lực, cố gắng. "Về việc đi làm thêm em có nghĩ đến nhưng muốn ổn định việc học rồi mới chính thức tìm việc vì em chưa có nhiều kỹ năng trong việc sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Trước mắt để giảm áp lực về tài chính, em cố gắng chi tiêu tiết kiệm", Quân Bảo tâm sự.

Lê Ngọc Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết sẽ "thắt lưng buộc bụng" trong sinh hoạt thường ngày và mong muốn đi làm thêm tuy nhiên nữ sinh khá lo lắng trước những cảnh báo lừa đảo nhắm vào các bạn trẻ nên cho biết sẽ tìm hiểu cẩn thận và lắng nghe lời khuyên, giới thiệu của những người tin cậy.

Không chỉ sinh viên, nhiều phụ huynh cũng suy nghĩ, liệu có nên để con đi làm thêm hay không. Cô Lê Thị Bé Bảy (45 tuổi, quê Ninh Thuận) tâm sự, quyết định cho con học xa nhà cũng là một quyết định khó khăn, đặc biệt khi con phải sống trong một môi trường mới không có sự giám sát của bố mẹ. "Cô không cho con đi làm thêm vì sợ bỏ bê việc học, không lo học mà rớt môn thì học lại uổng công sức, thời gian, tiền bạc lắm", cô Bảy bộc bạch.

Các sinh viên khóa trên có nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn để tân sinh viên không quá bỡ ngỡ với môi trường học tập mới

Những lo lắng của các tân sinh viên khi bước vào môi trường đại học là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, thay vì lo lắng quá mức, các bạn nên tìm cách tự điều chỉnh và thích nghi, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, và những người xung quanh. Đại học không chỉ là nơi để học tập kiến thức mà còn là môi trường để phát triển về kỹ năng và cá nhân, nên hãy tận dụng khoảng thời gian này một cách hiệu quả nhất.

Giúp sinh viên hòa nhập môi trường Đại học

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình "USSH Mentoring: Cùng bạn hội nhập môi trường đại học", nhằm giúp sinh viên hòa nhập, có thể tham gia tốt các hoạt động của quá trình đào tạo tại trường.

Tại USSH Mentoring, ban tổ chức đã cung cấp và tư vấn cho tân sinh viên các thông tin về ngành học, phương pháp học tập, hoạt động ngoại khóa, cũng như về đời sống sinh viên… để tân sinh viên thích ứng với môi trường mới, tránh bị bỡ ngỡ khi vào học chính thức.

Với gần 800 sinh viên làm mentor (người hướng dẫn), là những người có kinh nghiệm, mỗi mentor đã hỗ trợ, hướng dẫn cho 3 - 5 sinh viên cách đạt được mục tiêu và phát triển kỹ năng một cách hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ hội để các sinh viên kết nối với nhau, giúp tân sinh viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, tạo ra một môi trường Đại học năng động.

Theo VTV

Link: https://vtv.vn/giao-duc/tan-sinh-vien-truoc-them-nam-hoc-moi-niem-vui-su-hao-huc-xen-lan-voi-nhieu-lo-lang-ban-khoan-20240829224547365.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện