Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Giải mã "những cơn thịnh nộ" của thiên nhiên

  

14:54 04/10/2024

Hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các cơn bão nhiệt đới xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn.

Bão Helene gây nhiều thiệt hại ở Mỹ (Ảnh: AFP)

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm tăng sức tàn phá của các cơn bão mạnh, như bão Helene đổ bộ vào Đông Nam nước Mỹ và bão Yagi hoành hành ở châu Á, lên mức chưa từng có. Một nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các cơn bão nhiệt đới xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, khiến các cơn bão mạnh lên về cường độ. Ông Michael Mann, nhà khí hậu học tại Đại học Pennsylvania, cho biết mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1oC hiện nay đã khiến sức tàn phá của bão tăng trung bình khoảng 40%. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), chuyên gia này kêu gọi mở rộng thang đo Saffir-Simpson thêm cấp độ 6, đối với các cơn bão có sức gió trên 308 km/h.

Nhiều nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã làm tăng cường độ của cơn bão Helene lên cấp 4 - là cấp độ cao nhất trên thang đo. Nhà khí hậu học ở bang Florida, David Zierden, cho biết hàm lượng nhiệt trong các đại dương ở mức kỷ lục đã khiến bão mạnh lên và gây thiệt hại lớn.

Trong khi đó, hiện tượng "tăng nhanh cường độ", nghĩa là sức gió một cơn bão tăng tốc thêm 55 km trong vòng 24 giờ, cũng đang trở nên phổ biến hơn. Nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương của Bộ Năng lượng Mỹ, Karthik Balaguru, cho rằng sự gia tăng này có thể có tác động nghiêm trọng, đặc biệt nếu xảy ra gần bờ biển trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Biến đổi khí hậu cũng làm giảm sức cắt gió - những thay đổi về tốc độ và hướng gió theo độ cao - dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. Ông Balaguru giải thích rằng sức cắt gió mạnh có thể ngăn cản cơn bão phát triển mạnh và giảm sức tàn phá của bão. Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ bề mặt đất với bề mặt nước cũng khiến độ ẩm tăng cao dọc khu vực bờ biển, dẫn đến áp suất và lưu thông gió đẩy độ ẩm vào tầng bình lưu giữa, tạo điều kiện để bão phát triển.

Về tần suất, một số nghiên cứu cho thấy ô nhiễm bụi mịn ở Mỹ và châu Âu được cải thiện đã có thể làm gia tăng tần suất bão ở Đại Tây Dương, trong khi ô nhiễm ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể đang ngăn chặn các cơn bão ở Tây Thái Bình Dương.

Theo VTV

Link: https://vtv.vn/the-gioi/giai-ma-nhung-con-thinh-no-cua-thien-nhien-20241003170115621.htm


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện