Kịp thời đưa ý kiến của cử tri và Nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 21/10/2024, dự kiến bế mạc vào ngày 30/11/2024. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh trao đổi với cử tri huyện Đức Thọ tại buổi tiếp xúc với cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản đối với tất cả các dự án luật, nghị quyết; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chịu sự tác động tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự án luật có phạm vi ảnh hưởng lớn. Trong thời gian từ ngày 12/9 - 11/10, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được 5 hội nghị trên các lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ số, nhà giáo, an ninh trật tự, bảo hiểm y tế, điện lực; dự kiến trong ngày 14 đến 16/10 sẽ tiếp tục tổ chức 3 hội nghị trên các lĩnh vực: Tài chính - thuế, việc làm, sĩ quan quân đội.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật về lĩnh vực an ninh trật tự.
Sáng 11/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) gồm: Luật Dữ liệu; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đây là những luật đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong công tác bảo đảm ANTT; tạo điều kiện phục vụ phát triển KT-XH.
Cho ý kiến về Luật Phòng, chống mua bán người, Thượng tá Nguyễn Hùng Cường - Phó Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh trao đổi: "Đơn vị thống nhất với góp ý, đối với định nghĩa về hành vi mua bán người và giải thích từ ngữ phải cụ thể, rõ ràng và phù hợp, tương đồng với hành vi khách quan của tội mua bán người; đề xuất gộp quy định về trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên tham gia phòng ngừa mua bán người; cần đưa số điện thoại khẩn cấp để tiếp nhận thông tin về mua bán người, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và phòng chống mua bán người; xác minh người đến trình báo là nạn nhân hay người đại diện hợp pháp của nạn nhân đến trình báo...".
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh Phạm Công Thành chủ trì hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Điện lực.
Trước đó, vào chiều 16/9, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Công ty Điện lực Hà Tĩnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Trao đổi xung quanh luật này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho biết: Đầu tư cho phát triển điện lực phải “đi trước một bước” trong phát triển KT-XH, do vậy, việc hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Tại hội nghị, Đoàn cũng đã ghi nhận, đánh giá nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng đối với dự thảo luật như: Xem xét sửa quy định phát triển điện tự sản xuất tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng; bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp cấp giấy phép hoạt động điện lực để đảm bảo đầy đủ; xem xét sửa quy định liên quan đến thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện. Quy định cụ thể các nội dung liên quan đến trách nhiệm UBND cấp tỉnh được ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như giải pháp UBND cấp tỉnh được quyền thực hiện để tạo thuận lợi, thống nhất cho các địa phương trong triển khai thực hiện...
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tổ chức lấy ý kiến đối với cử tri ngành Giáo dục Hà Tĩnh liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo.
Đặc biệt, tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề chính sách, pháp luật về nhà giáo được Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức vào chiều 8/10, cử tri ngành giáo dục đã tập trung phản ánh tâm tư, nguyện vọng và trực tiếp góp ý vào dự án Luật Nhà giáo về một số vấn đề như: Việc đổi mới giáo dục đào tạo; chương trình giáo dục phổ thông; chương trình sách giáo khoa; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; đạo đức nhà giáo; lòng yêu nghề, tình yêu thương học sinh...
Qua các hội nghị lấy ý kiến góp ý cho thấy, đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng, sửa đổi, ban hành các dự án luật nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong tình hình mới. Từ đó, đại biểu các cơ quan, đơn vị đã phát huy tinh thần, trách nhiệm để giải trình về nguyên nhân đưa ra các đề xuất, kiến nghị. Theo đánh giá của Đoàn, các ý kiến đã thể hiện đại biểu nắm chắc về chuyên môn, nghiệp vụ, thể thức, quy định của pháp luật để định hướng tổng quát, cụ thể. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức triển khai thi hành các luật sau khi được thông qua.
Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
Để tham gia tốt Kỳ họp thứ 8, thời gian qua, Đoàn ĐBQH cùng các vị ĐBQH Hà Tĩnh đã tích cực, tập trung chuẩn bị tốt các nội dung liên quan. Các ĐBQH đã chủ động thu thập tài liệu, nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, các cơ quan chuyên môn, chuẩn bị nội dung thảo luận đối với các vấn đề được đưa ra xem xét, quyết định tại Kỳ họp. Trong đó, tập trung đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH, QP-AN, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc để phân tích nguyên nhân, đưa ra các kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là các vấn đề gắn với thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, Đoàn đã chuẩn bị nội dung để cùng Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các chuyên đề; tham gia hội nghị chất vấn phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đề xuất vấn đề chất vấn và chuẩn bị nội dung chất vấn để tham gia tại kỳ họp.
Đại biểu Bùi Thị Mai Hương - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đưa ra các kiến nghị góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực tham gia vào công tác lập pháp. Theo đó, tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật.
Quá trình lấy ý kiến lập pháp bảo đảm dân chủ thực chất, có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các thành phần liên quan. Nội dung gợi ý thảo luận cụ thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, những vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Các ý kiến được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, chọn lọc để tổng hợp kịp thời gửi tới các cơ quan hữu quan để tiếp tục tham gia hoàn thiện các dự án luật.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia cho biết: "Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Do đó, việc chuẩn bị tham gia vào các dự án luật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đặc biệt là các dự án luật có tính chuyên ngành sâu. Ngoài việc tổ chức hội nghị, chúng tôi còn lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, tham vấn một số chuyên gia, nhà khoa học để có được các nội dung tham gia góp ý sâu sắc, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn".
Theo BHT
Link: https://baohatinh.vn/doan-dbqh-ha-tinh-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-lap-phap-post275379.html
Thêm ý kiến góp ý