Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: 'Xử lý mạnh các hành vi lãng phí'

  

07:31 14/10/2024

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết "Chống lãng phí", trong đó đưa ra giải pháp sửa đổi chính sách để giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước khẳng định trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới "rất khẩn trương, cấp bách".

Ông nhắc lại lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Chủ trương của Đảng đã được Quốc hội thể chế hóa. Hiến pháp năm 2013 quy định "Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước".

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật nhà nước, công tác phòng, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, việc quản lý dự án đầu tư được cải thiện. Đồng thời, công tác sắp xếp tài sản nhà nước và ý thức tiết kiệm của người dân cũng có nhiều chuyển biến.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt "những thành tựu vĩ đại"; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai. Các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực được huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận "lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển". Đơn cử như gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay như chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới; lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm...

"Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói, nhấn mạnh rằng để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong

Ông yêu cầu cả hệ thống chú trọng vào bốn giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "để xây dựng Đảng ta vững mạnh, là đạo đức, là văn minh".

Để nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải gương mẫu đi đầu, đưa ra những cam kết, kế hoạch cụ thể và có các chỉ tiêu đánh giá rõ ràng. Mỗi cơ quan cần triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua sôi nổi, từ đó hình thành thói quen tiết kiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.

Giải pháp thứ hai là tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Các quy định của Đảng sẽ được ban hành để nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Cùng với đó, cơ quan chức năng đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Giải pháp thứ ba là tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật phải đổi mới mạnh mẽ, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Xây dựng pháp luật cần xuất phát từ thực tiễn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, mở rộng không gian và tạo đà cho phát triển.

Với mục tiêu phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, mỗi cơ quan cần cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp và chống bệnh quan liêu. Các nguồn tài nguyên, nhân lực, vật lực cần sử dụng hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hoá quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

"Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo.

Ông cũng yêu cầu tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Giải pháp thứ tư theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày".

Ông nhắc lại lời của V.I. Lênin: Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta. Chúng ta phải bài trừ mọi vết tích lãng phí mà nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại đầy rẫy. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói: Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công.

"Để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo VNE

Link: https://vnexpress.net/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-xu-ly-manh-cac-hanh-vi-lang-phi-4803637.html


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện