Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

'Người nổi tiếng lệch chuẩn' sẽ bị hạn chế xuất hiện

  

08:01 28/10/2024

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, người nổi tiếng vi phạm pháp luật và quy tắc ứng xử sẽ bị hạn chế trên truyền thông, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Báo cáo kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng sự phát triển quá nhanh của công nghệ trong khi công tác quản lý chưa theo kịp đã khiến không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Ý thức của người sử dụng còn hạn chế, nhiều người khi tham gia sử dụng mạng xã hội có suy nghĩ mạng xã hội là "vô danh nên vô trách nhiệm". Họ dùng tài khoản ảo, nặc danh để phát ngôn với suy nghĩ không sợ bị phát hiện, xử lý. Hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, đặc biệt là dịch vụ xuyên biên giới chưa đáp ứng sự phát triển của thực tiễn.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng nguồn lực cả về nhân sự lẫn phương tiện, công cụ của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng còn mỏng về số lượng, chưa đáp ứng tình hình phát triển.

Vì vậy, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch áp dụng biện pháp hạn chế sự xuất hiện, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người nổi tiếng trên báo chí, mạng xã hội nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok, khi họ vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. "Việc này để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm", báo cáo nêu.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, lan tỏa thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức, bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các lực lượng sẽ tăng cường phát hiện và xử lý thông tin vi phạm, chủ động rà soát phát hiện kịp thời nguồn phát tán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý đối với những người làm video để kiếm tiền.

Các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Google phải áp dụng rà quét, chặn lọc tự động quảng cáo trực tuyến vi phạm trên các nền tảng do họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thay vì gỡ thụ động như trước đây. Trong 9 tháng đầu năm, Facebook chặn gỡ 510 tài khoản, trang và 35 hội nhóm giả mạo, 6.725 bài viết, 78 tài khoản quảng cáo cờ bạc. TikTok đã chặn và gỡ bỏ 613 nội dung vi phạm. Các nền tảng xuyên biên giới đã thực hiện nghĩa vụ thuế với gần 3.500 tỷ đồng năm 2022 và 6.800 tỷ đồng năm 2023.

Thông tin và truyền thông là một trong bốn nhóm vấn đề đang được xin ý kiến đại biểu để làm căn cứ chốt lĩnh vực chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 đang diễn ra. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nếu được chọn sẽ giải đáp việc nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội; vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông.

Theo VNE

Link: https://vnexpress.net/nguoi-noi-tieng-lech-chuan-se-bi-han-che-xuat-hien-4808986.html


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện