Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vừa thừa lại vừa thiếu?

  

14:05 01/11/2024

Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là yếu tố then chốt đem đến sự thành công trong phát triển du lịch. Hiện nay ngoài đào tạo để đáp ứng đủ số lượng lao động, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cũng là yêu cầu bức thiết đối với du lịch Việt Nam.

Đào tạo du lịch còn nhiều bất cập

Trước bối cảnh lượng khách du lịch có xu hướng gia tăng từ sau đại dịch COVID-19, lượng lao động trong ngành du lịch Việt Nam lại thiếu hụt, chất lượng lao động chưa cao, trình độ và kỹ năng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, còn tồn tại những thách thức về hội nhập quốc tế, hội nhập thị trường lao động, sự phát triển nhanh của công nghệ số trong du lịch cũng như nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Tại hội thảo “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” mới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chỉ ra những bất cập trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực hiện nay: "Việt Nam vẫn thiếu một quy hoạch tổng thể về đào tạo du lịch, các chương trình đào tạo du lịch ở các cấp, các ngành nghề chưa cập nhật, chưa theo kịp được xu hướng hay công nghệ mới. Hiện nay ngành du lịch phục hồi rất nhanh, nhu cầu việc làm rất nhiều nhưng nhiều trường vẫn khó khăn khi tuyển sinh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn không thể tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu của đơn vị, đặc biệt ở các vị trí quản lý cấp cao".

GS.TS. Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam đánh giá, phương pháp giảng dạy tại nhiều trường du lịch còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành; trong khi việc đào tạo nghề du lịch cần ưu tiên cho thực hành ở tỷ lệ cao. "Nghịch lý là khi đào tạo thì đòi hỏi phải có thực hành, nhưng khi đi kiến tập và thực tập tại các cơ sở thì thì sinh viên khó có thể tiếp cận được với công việc thực tế bởi nhiều quy định ràng buộc. Điều đó dẫn tới tình trạng suốt thời gian thực tập (8 tuần), kiến tập (1-3 tuần) sinh viên vẫn không có khả năng tiếp cận với thực tế nghề nghiệp và tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân".

GS.TS. Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

Tình trạng trên cũng diễn ra tại Ninh Bình, dù đây là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, nơi ngành du lịch phát triển mạnh và đủ sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. "Doanh nghiệp không tuyển được nhân lực trình độ cao, nhất là vị trí quản lý và dịch vụ cao cấp, dù sẵn sàng trả lương hàng nghìn USD. Chúng ta cần xây dựng một quỹ nhân lực du lịch trên cơ sở xã hội hóa, góp phần xây dựng nguồn lực bền vững, lâu dài cho ngành du lịch", ông Nguyễn Xuân Trường - đại diện doanh nghiệp Xuân Trường chia sẻ.

“Ngay tại trung tâm du lịch như Ninh Bình, cách không xa Hà Nội mà tuyển dụng vị trí quản lý cấp trung, cấp cao rất khó khăn, kể cả trả lương cao. Thực tế là thái độ, nhận thức, tư duy của không ít lao động, mặc dù đã tốt nghiệp đại học ngành du lịch, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng trình độ ngoại ngữ, nền tảng kiến thức về lịch sử, văn hóa... không đáp ứng được yêu cầu. Điều này đòi hỏi trong quá trình đào tạo, nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn; đồng thời khích lệ người học tìm tòi, tự nâng cao kiến thức và kỹ năng", ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình phát biểu tại hội thảo.

Đào tạo sinh viên du lịch tại Trường Đại học Mở Hà Nội. Nguồn: Vũ An Dân

Cần cái bắt tay giữa nhà trường và doanh nghiệp

Theo một nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Đức Bá, Chu Khánh Linh (2024), trên thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch chưa đạt được hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thừa lại vừa thiếu.

Vì vậy các chuyên gia cho rằng, sự liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trở nên cần thiết để đáp ứng nhu cầu, thách thức phát triển ngành du lịch Việt Nam hiện nay. Trong đó nhà trường và doanh nghiệp cần bắt tay nhau để có sự đột phá và bền vững trong đào tạo du lịch. Theo GS.TS. Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, một trong những mô hình đầy triển vọng về đào tạo nhân lực du lịch, văn hóa hiện nay là “Dự án Vườn ươm tài năng văn hóa du lịch”, với lộ trình 10 năm 2024 - 2034.

Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Sở Du lịch Ninh Bình và các đại biểu trao giải cuộc thi "Đại sứ Văn hóa du lịch 2024"

Ông Nguyễn Xuân Trung – Giám đốc dự án Vườn ươm tài năng văn hoá du lịch cho biết, dự án đã trải qua 4 năm và được duy trì ít nhất trong giai đoạn 10 năm tới, hình thành một “vườn ươm” góp phần tạo ra nguồn nhân lực hạt nhân trong sự phát triển du lịch của Việt Nam.

"Dự án đã thành công trong việc kết nối 60 trường cao đẳng, đại học trong cả nước đào tạo về chuyên ngành văn hoá và du lịch, xây dựng mạng lưới hơn 50 giảng viên, chuyên gia, diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế đào tạo các chuyên đề cho sinh viên; kết nối với Tedtalk để đưa tiếng nói của sinh viên lên diễn đàn quốc tế… Dự án hướng đến xây dựng "Ngân hàng cơ hội" kết nối doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên. Dự án mở hệ thống e-learning đào tạo trực tuyến, cung cấp thư viện điện tử để nâng cao kiến thức, không chỉ cho sinh viên ngành du lịch mà cả người lao động dịch vụ du lịch ở địa phương, vùng sâu vùng xa không có điều kiện học tập trực tiếp tại nhà trường", ông Nguyễn Xuân Trung phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia như Trung Quốc và Thái Lan về cách kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn, nhấn mạnh vào thực tập thực tế và mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. "Trung Quốc đã xây dựng mô hình hợp tác với doanh nghiệp, cung cấp cơ hội thực tập và kết nối giữa lý thuyết và thực tế cho sinh viên du lịch. Điều này không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành du lịch. Đầu tư tập trung cho những cá nhân tài năng trong ngành du lịch bằng các chương trình học bổng của Chính phủ. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ từ chính phủ và doanh nghiệp để đầu tư vào công nghệ và các chương trình thực tập quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế ngành du lịch của Việt Nam".

Theo VOV

Link: https://vov.vn/du-lich/tu-van/nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-vua-thua-lai-vua-thieu-post1132280.vov


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện