Những điều cần biết về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thông qua Ngân hàng
Hình minh họa
Thực hiện công văn số 5015/UBND-TH1 ngày 29/10/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện các nội dung kiến nghị của Công an tỉnh và Báo cáo số 874/BC-CAT-ABKT ngày 16/10/2024 về tình hình an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại Ngân hàng Thương mại và Cổ phần Đông Nam Á chi nhánh Hà Tĩnh. Để phục vụ công tác tuyên truyền cho nhân dân kiến thức về đầu tư trái phiếu doanh nghệp (TPDN) thông qua ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cung cấp một số thông tin liên quan đến TPDN như sau:
1. Trái phiếu doanh nghiệp
- Định nghĩa TPDN: Căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán năm 2019 định nghĩa: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.”
TPDN được định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 153) như sau: “Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.”
TPDN được phát hành theo 2 hình thức là phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Theo đó, mỗi hình thức được thực hiện theo các cơ sở quy định pháp luật riêng.
TPDN phát hành ra công chúng phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn về điều kiện phát hành (được quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi thi hành một số điều của Luật Chứng khoán) và các quy định pháp luật có liên quan.
Trong khi đó, TPDN phát hành riêng lẻ đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về điều kiện đối với đối tượng tham gia mua trái phiếu theo quy định tại Nghị định 153, sau được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 (Nghị định 65) và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 và các quy định pháp luật có liên quan.
- Bản chất của TPDN: các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn vay từ người mua trái phiếu với mục đích tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ trả lãi trong khoảng thời gian định kỳ được xác định trước (thường là hàng năm hoặc nửa năm một lần) và trả lại khoản gốc vào ngày đáo hạn, chấm dứt việc nợ.
2. Trách nhiệm ngân hàng có hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin TPDN.
- Ngân hàng chỉ được cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN theo đúng giấy phép NHNN cấp và theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.
- Chỉ phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư đã được doanh nghiệp phát hành hoặc công ty chứng khoán được uỷ quyền xác định nhà đầu tư chứng khoản chuyên nghiệp sau khi đảm bảo nhà đầu đã được tiếp cận, hiểu rõ ràng đầy đủ thông tin; không được chào mời, hỗ trợ nhà đầu tư không thuộc đối tượng nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ.
- Trường hợp cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại TPDN thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư và phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật chuyên nghành khi thực hiện cam kết này.
- Trường hợp thực hiện bảo lãnh phát hành theo quy định của pháp luật về chứng khoán thì phải cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư về phạm vi bảo lãnh phát hành, đảm bảo không có nội dung để nhà đầu tư nhầm lẫn giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán trái phiếu.
3. Quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư
Quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư bao gồm tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu….
Căn cứ Điều 8 Nghị định 153 và khoản 6 Điều 1 Nghị định 65, trách nhiệm và quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu như sau:
“2. Trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu:
a) Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.
b) Hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu; hiểu rõ và đảm bảo tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.
c) Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
…
3. Quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu
a) Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.
b) Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.
c) Được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
d) Được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định này khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.”
4. Lưu ý trước khi đầu tư TPDN thông qua ngân hàng
- TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
- Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật về đối tượng được mua TPDN. Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
- Ngân hàng cung cấp các dịch vụ về TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
- Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
BBT
Thêm ý kiến góp ý