Nội dung chất vấn bao gồm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng cũng giải trình việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Media Quốc hội
Trong báo cáo gửi đại biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cả nước có 880 cơ quan báo chí, với 72 đài Phát thanh truyền hình, còn lại là báo và tạp chí.
Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người, trong đó 21.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Năm 2023, tổng doanh thu của cơ quan báo và tạp chí toàn quốc là 8.600 tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm 2022. Tổng doanh thu của 72 Đài Phát thanh truyền hình năm 2023 là 11.900 tỷ đồng, giảm 21,9% so với năm 2022.
Theo đánh giá của Bộ, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều cơ quan báo chí nỗ lực nghiên cứu, xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tiếp cận với đông đảo công chúng báo chí
Tuy nhiên, nguồn thu từ phát hành báo chí ngày càng giảm, quảng cáo sụt giảm 80% do chảy vào các nền tảng mạng xã hội. Nguồn kinh phí sự nghiệp dịch vụ công của nhà nước cấp cho cơ quan báo chí còn thấp, chưa đồng đều và chưa thường xuyên. Năm 2023, chi đầu tư phát triển báo chí chiếm khoảng 0,2% tổng chi đầu tư ngân sách.
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá một số quy định của Luật Báo chí chưa kịp thời điều chỉnh những bất cập, chưa có cơ chế thúc đẩy sự phát triển của báo chí trong bối cảnh nguồn thu giảm mạnh.
Bộ đề xuất sớm sửa đổi các quy định liên quan đến chính sách phát triển báo chí, cấp phép hoạt động báo chí, quản lý thẻ nhà báo, tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí, cũng như quy định về hoạt động tác nghiệp của các phóng viên chưa có thẻ, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.
Thời gian tới, Bộ đề nghị Chính phủ xem xét khi sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Theo đó, báo, đài thuộc nhóm đặc thù để thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng được áp ở mức thấp hơn hiện nay (dự kiến còn 10%).
Bộ phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí phát triển, điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.
Bộ cũng hướng đến kiểm soát và điều tiết được nguồn thu quảng cáo trên không gian mạng theo hướng chuyển về các hệ sinh thái nội dung trong nước, để báo chí có nguồn thu chính đáng, công bằng hơn từ nguồn quảng cáo sạch.
Trong nhóm nội dung này, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an tham gia trả lời nội dung liên quan.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ nội dung liên quan tới ba nhóm vấn đề được chất vấn.
Theo VNE
Link: https://vnexpress.net/sang-nay-bo-truong-thong-tin-va-truyen-thong-tra-loi-chat-van-4814878.html
Thêm ý kiến góp ý