Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Báo chí muốn giữ vững "trận địa" của mình thì phải làm khác mạng xã hội

  

15:11 12/11/2024

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí muốn giữ vững "trận địa" của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí.

Sáng 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, với sự đăng đàn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

"Coi không gian mạng là mặt trận chính của báo chí"

Báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược phải được đầu tư đi trước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất ban hành chiến lược, kế hoạch, xác định rõ các nội hàm cũng như các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia, đặc biệt lưu ý đến nội dung phổ cập nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, với môi trường không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo báo chí trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, Youtube… và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, trên thực tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các vấn đề mà các vị ĐBQH nêu tạo nên góc nhìn toàn cảnh về ngành thông tin và truyền thông, chỉ rõ những vấn đề, hạn chế, tồn tại... đồng thời sẽ mở những giải pháp mới, cách làm mới.

Trả lời câu hỏi chất vấn đầu tiên của đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) về vấn đề quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi chất vấn đầu tiên

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định giải pháp đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế: “Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý Nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội. Các nền tàng phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc”.

Báo chí chính thống cạnh tranh với mạng xã hội

Nêu chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cũng đặt câu hỏi về việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh với mạng xã hội và tồn tại, làm tốt vai trò "người lính xung kích" trên "mặt trận" văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên)

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện chiếm 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (gần 880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí.

"Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí. Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo", Bộ trưởng làm rõ chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của báo chí truyền thống, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mạng xã hội ra đời đã "lấy mất nghề của báo chí". Báo chí trong hàng trăm năm qua tập trung vào đưa tin và mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, với hàng chục triệu "phóng viên không mất tiền" và có mặt ở khắp mọi nơi. Do vậy, báo chí muốn giữ vững "trận địa" của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi là tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình và đạo đức nghề nghiệp.

Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, báo chí chính thống sẽ đứng ở phía sau, do vậy, phải dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo và Hội Nhà báo xác định định hướng chính để khẳng định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng: "Báo chí thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp; cần phải kể ra câu chuyện để dẫn dắt, định hướng xã hội. Trước đây, trong không gian thực, báo chí là lực lượng chủ đạo. Nhưng trong không gian mạng, báo chí về mặt số lượng có thể không là chủ đạo, nhưng những thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng, với chất lượng tin tức và nội dung. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, thúc đẩy tương tác hai chiều, hướng tới đối tượng quảng cáo và coi mạng xã hội là công cụ để báo chí xuất hiện".

Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tập trung vào 3 vấn đề:

(1) Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(2) Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.

(3) Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong Phiên chất vấn, khi cần thiết, Chủ tịch Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình thêm những vấn đề liên quan mà ĐBQH quan tâm.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/chinh-tri/bao-chi-muon-giu-vung-tran-dia-cua-minh-thi-phai-lam-khac-mang-xa-hoi-post1134863.vov


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện