Luật Đất đai 2024 giúp tháo gỡ khó khăn khi giải phóng mặt bằng các dự án
Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực từ 1/8, tới nay đã gần được 3 tháng. Do liên quan tới rất nhiều lĩnh vực, nên các quy định mới của luật này được đánh giá có tác động rất lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và đời sống của người dân.
Đến nay, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành luật. Trong đó, các quy định chi tiết về giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân tại các dự án lớn được người dân đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý, có những dự án thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp giữa luật mới và luật cũ. Làm thế nào để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các bên liên quan? Câu chuyện ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn.
Công trường dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng tại tỉnh Lạng Sơn. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi sử dụng là hơn 500 ha, dự án này mới được khởi công từ tháng 4. Trong khi Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8, tức là dự án nằm đúng trong giai đoạn chuyển tiếp từ luật cũ sang luật mới. Rất nhiều quy định, cơ chế bồi thường có sự thay đổi.
Ông Bùi Hoàng Nam - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho hay: "Thay đổi lại đơn giá, bồi thường nhà cửa và kiến trúc, đơn giá bồi thường về cây cối hoa màu, đơn giá đất cũng có thay đổi. Các cơ chế, đặc biệt cơ chế về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp".
Thông thường, việc thay đổi cơ chế bồi trong giai đoạn chuyển tiếp luật sẽ làm người dân có tâm lý so sánh, chờ đợi, chưa đồng ý di dời, bàn giao đất để chờ được hưởng theo chính sách mới. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án, khi phải chờ có đất sạch mới có thể san lấp làm đường. Tuy nhiên, trước tình huống này, tỉnh Lạng Sơn đã linh hoạt tính phương án đền bù theo các quy định của luật cũ, vận động người dân tạm ứng một phần tiền. Sau khi có chi tiết phương án chi trả, đền bù theo Luật Đất đai 2024, người dân sẽ được tính toán lại và nhận đền bù theo các quy định mới. Phấn đấu tới hết tháng 12, dự án sẽ giải phóng mặt bằng được 100%.
Tỉnh Lạng Sơn linh hoạt tính đền bù theo phương án tính tạm giá đền bù trước, bổ sung giá mới sau.
Nhìn về căn nhà cũ của mình, giờ đã được giao cho dự án để chuẩn bị mở đường, anh Thụy cho biết, việc xây đường cao tốc được người dân chờ đợi từ lâu, nên gia đình anh đã đồng ý theo phương án của tỉnh đưa ra, nhận 1 phần tiền đền bù rồi chuyển đi.
"Các hộ gia đình cũng đã nhận hết 60% và cũng ủng hộ theo chủ trương, còn lại 40% cũng theo giai đoạn và chi trả chậm sau", anh Hoàng Văn Thụy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Qua tính toán thấy rằng, cơ chế chính sách bồi thường theo Luật Đất đai 2024 nó sẽ cao hơn luật cũ, chính vì thế chúng tôi đã ứng cho người dân trước. Đến thời điểm này đã ban hành đủ các cơ chế chính sách thì chúng tôi sẽ phê duyệt phương án bồi thường chính thức, sẽ chi trả đầy đủ cho người dân, để đảm bảo người dân được hưởng lợi".
"Phải nói là chưa bao giờ việc giải phóng mặt bằng lại thần tốc như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng thì đoạn tuyến từ Chi Lăng lên Hữu Nghị cơ bản đã giải quyết được hơn 90%, đã có dư luận rất tốt, người dân cũng đồng tình, đồng hành để thực hiện", ông Hồ Phi Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Phương án tính tạm giá đền bù trước, bổ sung giá mới sau, cũng được áp dụng tại một số dự án thi công các đoạn tuyến cao tốc khác. Địa phương phấn đấu thực hiện mục tiêu hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) ngay trong năm 2025.
Đề xuất thí điểm mở rộng đất thực hiện dự án nhà ở
Đó là câu chuyện cách làm tại địa phương đối với dự án giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các luật. Còn đối với các dự án bất động sản, những cọc sắt hoen rỉ, nhuốm màu thời gian, hay những khu đất cây cỏ mọc cao quá đầu người, nằm giữa những khu dân cư sầm uất - Đó là những hình ảnh không còn lạ.
Ghi nhận cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai như: vướng mắc về pháp lý, sự thay đổi về quy định pháp luật, hoặc chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính khiến cho đất đai bị bỏ hoang lãng phí.
Tính riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 300 dự án đang tạm dừng thực hiện. Nguyên nhân vì Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép nhà đầu tư đang có quyền sử dụng "đất ở" hoặc "đất ở và đất khác" được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; không quy định cho phép đối với trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất khác.
Gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án
Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, thí điểm trong 5 năm.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo đó, Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, thí điểm trong 5 năm. Dự án được chọn thí điểm phải được thực hiện tại khu vực đô thị, không thuộc công trình phải thu hồi. Đây là một trong những nội dung quan trọng được nhiều doanh nghiệp bất động sản quan tâm.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, đề xuất việc việc thí điểm cho phép doanh nghiệp được mua đất không phải đất ở để làm dự án nhà ở, sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị "kẹt" vì không có yếu tố đất ở. Nếu được thông qua, hàng trăm dự án sẽ được tiếp tục triển khai, hỗ trợ tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường bất động sản.
"Nó đều mắc ở việc không triển khai được do chính là cái mà không có đất ở. Tôi cho là nếu chúng ta kịp thời thì đây cũng là tháo gỡ được rất nhanh", ông Nguyên Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay.
Ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hanaka cho rằng: "Phù hợp với quy hoạch vùng, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất mà trong khi đó đang thuộc diện quản lý và sở hữu của doanh nghiệp thì Nhà nước nên áp dụng cho doanh nghiệp được xác định tiền sử dụng đất để nộp cho Nhà nước và thực hiện các dự án thu hút được nguồn thu cho ngân sách và giải quyết được sự lãng phí".
Trong gần 3 tháng qua, kể từ khi Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, một số tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có nhiều động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đã tồn tại nhiều năm. Mới đây, 8 dự án tại TP Hồ Chí Minh đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn. TP Hà Nội cũng đã tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, tìm mọi cách để sớm hoàn thành 5 dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ.
Luật Đất đai 2024 đã được đưa vào thực thi sớm 5 tháng. Thời gian đầu thực hiện, một số địa phương vẫn còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản thi hành. Tuy nhiên, đến nay, có thể thấy, nhiều tỉnh, thành đã chủ động tìm kiếm các phương án phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người dân. Từ đó, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm.
Theo VTV
Link: https://vtv.vn/kinh-te/luat-dat-dai-2024-giup-thao-go-kho-khan-khi-giai-phong-mat-bang-cac-du-an-2024111823260052.htm
Thêm ý kiến góp ý