Đến nhà người bạn ở TP Hà Tĩnh trong ngày 20/11, khá bất ngờ, tôi nghe các bạn học sinh lớp 7 đến chúc mừng cô giáo (vợ của bạn tôi) đã râm ran bày tỏ về ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây và TikToker Nguyễn Đỗ Trúc Phương.
Trong lúc chờ cô giáo, nhóm học trò tranh nhau thể hiện “hiểu biết” của mình: “Sốc! sốc! An Tây, Chi Dân và TikToker Nguyễn Đỗ Trúc Phương chơi ma túy”; “Tây Ba Lô (tức Rufino Aybar – em trai của An Tây) bị tấn công trên mạng xã hội”; “An Tây làm khổ em An Tây rồi. Em trai An Tây có sử dụng ma túy đâu”; “Nhà sáng tạo nội dung mà sao lại sử dụng ma túy?”; “Đã sử dụng ma túy còn khóc lóc nói về mất mát sự nghiệp, sao bình thường không lo mà giữ?”; “Mấy nhóm của bọn mình bữa nghe tin là chia sẻ liền. Thất vọng toàn tập!”…
Từ trái qua phải: Chi Dân, An Tây và Trúc Phương tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC.
Như đã biết, An Tây là người mẫu, người sáng tạo nội dung, từng tham gia nhiều chương trình thời trang, giải trí, các dự án phim. Đặc biệt, cô có lượng tương tác rất lớn trên mạng xã hội: kênh Tiktok của cô có đến hơn 4,7 triệu lượt người theo dõi; kênh Youtube có 876.000 lượt người và hơn 213.000 lượt theo dõi trên nền tảng Facebook.
An Tây nổi tiếng cũng đã tác động lớn đến sự nổi tiếng của em trai An Tây - Rufino Aybar, hay còn gọi là Tây Ba Lô trên các kênh. Cùng với An Tây, “cô tiên” Trúc Phương, ca sĩ Chi Dân cũng có ảnh hưởng rất lớn trên mạng xã hội với hàng trăm ngàn lượt người theo dõi, nhất là trên TikTok.
Từ ồn ào trên, có thể thấy, học trò thời nay rất nhạy bén với tin tức. Các bạn yêu thích nhiều kênh giải trí và thạo tin về những người nổi tiếng, đặc biệt là qua các video, các shorts trên tivi, điện thoại thông minh. Cùng với tốc độ truyền thông tin trên mạng xã hội rất nhanh, nhiều em còn được bố mẹ cho sử dụng smartphone riêng nên tin tức đã “hot” lại càng thu hút (qua theo dõi kênh; qua tin nhắn gửi các nhóm chat..).
Ở góc độ tâm lý học, lứa tuổi học trò, nhất là học sinh THCS, các em đang giữa giai đoạn tuổi thơ với tuổi trưởng thành. Đặc điểm cơ bản là các em có sự phát triển nhảy vọt về: thể chất, tình cảm, trí tuệ, đạo đức… Bởi vậy, các em rất dễ bị tác động, nhất là những vấn đề liên quan đến cảm xúc, do nhận thức chưa đầy đủ. Cũng vì lí do này, hầu hết học trò trong độ tuổi thường chọn thần tượng là những người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí, thể thao…
Ưu điểm của chọn thần tượng là thôi thúc sự vươn lên, nhưng sự nguy hại của đổ vỡ thần tượng là suy sụp tinh thần, cảm giác bị phản bội, thậm chí nhiều em vì thất vọng mà mất niềm tin vào sự tích cực. Người lớn có sự từng trải, hiểu biết về xã hội cần định hướng tốt cho các bạn để mỗi sự sa ngã của người nổi tiếng là một tiếng chuông cảnh tỉnh với các em về sai lầm khi tôn thờ sai thần tượng.
Người nổi tiếng hôm qua, kể cả những người thành công trên con đường học tập, nỗ lực chân chính trong hoạt động nghề nghiệp có thể là người thất bại hôm nay nếu sa ngã vào con đường lầm lỗi, nhất là ma túy như: diễn viên Thương Tín, diễn viên Lệ Hằng, nghệ sĩ Hữu Tín, ca sĩ Châu Việt Cường, Hiệp Gà…
Trước ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây và TikToker Nguyễn Đỗ Trúc Phương, người dân cả nước, nhất là ở Hà Tĩnh bàng hoàng khi chứng kiến “Quả bóng vàng 2017” Đinh Thanh Trung và 4 cầu thủ khác vướng lao lí vì sử dụng “cái chết trắng”.
Đinh Thanh Trung (thứ 2 từ trái sang) và 4 cầu thủ khác có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Một cá nhân nổi tiếng, dù đó là ai, cũng có thể sa ngã nếu thiếu bền bỉ nỗ lực, đặc biệt là thiếu bản lĩnh “giữ mình” trước những cám dỗ. Bởi vậy, người lớn cần giáo dục trẻ phải biết phân định, không đánh đồng giữa hình ảnh người đó (người nổi tiếng) trong lĩnh vực nghề nghiệp và bản thân cá nhân người đó ngoài đời thực với rất nhiều khía cạnh của một con người.
Có rất nhiều người giỏi chuyên môn (đóng phim, sáng tạo nội dung, diễn thời trang, chơi bóng đá…) nhưng nhân cách của họ lại không như các fan tưởng tượng. Họ có thể ứng xử thiếu văn hóa, hành động, phát ngôn “lệch chuẩn”, thậm chí có người còn vô tình hay hữu ý kích động bạo lực...
Người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn và truyền cảm hứng tới công chúng, trên thực tế phải là người vừa tài năng vừa chú trọng xây dựng nhân cách, có trách nhiệm xã hội. Khi chưa nhìn nhận rõ tổng thể một người thì khuyên con trẻ cần tỉnh táo, chớ vì mê một tiếng hát hay mà yêu luôn cô ca sĩ.
Thậm chí, phải tìm các dẫn chứng để “giải thiêng” thần tượng của con như: cô ca sĩ này phát ngôn thiếu chuẩn mực, cô có lối sống buông thả, sử dụng rượu bia, tiệc tùng không kiểm soát…
Diễn viên Thương Tín từng sụp đổ sự nghiệp vì sử dụng ma tuý. Ảnh: ĐPCC
Từ việc “giải thiêng” thần tượng, người lớn cần giúp con trẻ “trở về mặt đất” với những vấn đề thiết thực trong đời sống. Điều trẻ cần làm và kiên trì hằng ngày là chú tâm học tập, rèn dũa đạo đức, kỹ năng sống để ngày một trưởng thành mà trước tiên, cụ thể nhất là học tập, nghe lời bố mẹ, thầy cô, người có trách nhiệm trong xã hội - những người mà các bạn quan sát rõ nhất, hiểu rõ họ nhất.
Đồng thời, phải dạy bảo các em cần kiên trì học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phải xác định “học tập suốt đời” như Bác Hồ căn dặn, tuyệt đối không vì thành tích vừa đạt được mà tự mãn, “tự thưởng” bằng những trò vi phạm pháp luật.
Kênh Youtube của An Tây thu hút rất nhiều người theo dõi.
Lứa tuổi học trò vốn thích bắt chước và có phần sống theo cảm tính. Vì vậy, nếu là fan của một người nổi tiếng, không ngoại trừ, một số bạn trẻ sẽ “học đòi” những hành động xấu của “thần tượng”. Nguy hại hơn, có thể một số bạn sẽ nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tiêu cực, bởi các em có thể mất niềm tin và cho rằng không ai là tốt hoàn toàn, ngay cả thần tượng. Từ hành động “lệch chuẩn” của thần tượng không loại trừ có thể kích thích các em hành động dại dột, thiếu hiểu biết pháp luật.
Tuổi học trò luôn đối mặt vô vàn cám dỗ, có thể là sự kích động rủ nhau hút thuốc lá điện tử, hội tụ tỉ thí “bi-a”, “liều” đua xe máy, thậm chí trốn trong nhà vệ sinh của nhà trường để chia nhau từng khói thuốc... Người lớn, trước hết là bố mẹ, thầy cô cần có sự theo dõi, nắm bắt tâm lí, đưa ra các cảnh báo về nguy hại lâu dài, nhất là ảnh hưởng về sau trên con đường lập thân, lập nghiệp để các em không bắt chước theo “ngụy” thần tượng, phòng xa những hệ lụy lớn hơn.
Ở góc độ quản lý nhà nước, có lẽ đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần xem xét đưa ra những quy chuẩn đạo đức và chế tài nghiêm khắc hơn để hạn chế một số cá nhân nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, thể thao dù chưa chuẩn mực trong ứng xử, hành động, thậm chí thiếu trách nhiệm với gia đình nhưng lại phát ngôn “như đúng rồi” trên mạng xã hội, nhất là các trang có nhiều bạn trẻ theo dõi. Có như thế, chúng ta mới cùng nhau thiết lập văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đảm bảo văn minh, cũng là cơ sở quan trọng để lan tỏa những tấm gương người nổi tiếng thực sự tài năng, có nhân cách, tác động tích cực, thôi thúc lớp trẻ hướng tới những hệ giá trị chuẩn mực.
Theo BHT
Link: https://baohatinh.vn/day-tre-tu-nguoi-noi-tieng-dinh-ma-tuy-post277717.html
Thêm ý kiến góp ý