Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH ở địa phương

  

15:02 29/11/2024

Sáng 29/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).

Tạo thuận lợi cho Đoàn ĐBQH giám sát địa phương

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, tại khoản 32 Điều 1 của dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung Điều 52 của Luật hiện hành. Theo đó, việc quy định cứng đoàn giám sát tại địa phương phải có ít nhất 3 đại biểu là thành viên đoàn rất khó khả thi.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng). Ảnh: Quốc hội

Thực tế, đã có những lúc đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chỉ còn 1 hoặc 2 ĐBQH của địa phương, do yêu cầu của công tác cán bộ. Nếu mời ĐBQH từ Trung ương về tham gia giám sát ở địa phương thì sẽ bị động về mặt thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát quy định này cho hợp lý.

Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ chuyên môn, cung cấp thông tin, kinh phí tổ chức hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát cho ĐBQH khi tiến hành giám sát.

Cũng nêu ý kiến về bổ sung nguyên tắc mới cho hoạt động giám sát, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp…

Đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Do vậy, công tác đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đòi hỏi giám sát phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo.

Đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1 trong dự thảo là bổ sung Khoản 2a vào sau Khoản 2 của Điều 3 về Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Đại biểu Trần Khánh Thu (ĐoànThái Bình) đề nghị tiếp tục đổi mới công tác giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp​. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất HĐND giám sát hoạt động của cơ quan T.Ư tại địa phương

Tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, HĐND nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám sát tại Điều 5 của luật hiện hành. Theo đó, đề xuất HĐND được quyền giám sát hoạt động của cơ quan Trung ương tại địa phương như: Cục thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước cùng cấp.

Đồng thời, bà Xuân kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu HĐND được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương.

Nữ đại biểu phân tích, căn cứ Điều 113, Hiến pháp quy định, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước dân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của HĐND.

Phạm vi giám sát của HĐND tại địa phương là rất rộng, bao quát tất cả các đối tượng, lĩnh vực trên địa bàn, kể cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) đề nghị bổ sung thẩm quyền giám sát các cơ quan trung ương tại địa phương cho HĐND cùng cấp. Ảnh: Quốc hội

Bà Xuân nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, đều phải triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do HĐND quyết nghị.

Trong đó, các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương phải thực hiện như: Thu thuế, bảo hiểm xã hội; các biện pháp đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện các chính sách về tài chính, kinh tế, môi trường, xã hội do HĐND ban hành.

Quy định chính thức việc HĐND được giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước cùng cấp thuộc trung ương, đóng chân trên địa bàn, nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước tại địa phương.

"Điều này giúp cho chính quyền Trung ương quản lý tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, vừa đảm bảo các định hướng, mục tiêu Trung ương giao cho địa phương được thực thi hiệu quả. Với cơ chế kiểm soát của HĐND buộc các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm giải trình, cam kết hành động trước cơ quan đại diện của nhân dân", đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung thẩm quyền giám sát hoạt động các cơ quan Trung ương tại địa phương cho HĐND cùng cấp và quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND trong chất vấn người đứng đầu các cơ quan đó.

Nội dung này phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn, đảm bảo cho việc kiểm soát thực thi quyền lực Nhà nước theo đúng định hướng.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/chinh-tri/tao-thuan-loi-cho-hoat-dong-giam-sat-cua-doan-dbqh-o-dia-phuong-post1138832.vov


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện