Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Cần chính sách đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới

  

08:12 27/12/2024

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 338, ngày 3/4/2023 về xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến 2030, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án này.

Năm 2024, cả nước chỉ xây dựng được khoảng 21.000 căn nhà ở xã hội, cách rất xa chỉ tiêu 130.000 căn được đề ra. Thực tế cho thấy, để phát triển nhà ở xã hội đạt hiệu quả, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cũng cần được thực hiện khẩn trương.

Năm 2024, cả nước không đạt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội.

Tại tỉnh Bắc Ninh-địa phương có đông công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp đã chủ động dành những điều kiện tốt nhất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Với những hành động thiết thực của địa phương này, mục tiêu sẽ phát triển hơn 30.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025 và hơn 41.000 căn hộ trong giai đoạn 2026 – 2030 là rất khả thi. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Ngoài các chính sách của Trung ương về vốn vay và hỗ trợ lãi suất, thì tỉnh cũng sẽ bố trí nguồn vốn của địa phương để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Sở xây dựng cũng sẽ phối hợp với các chủ đầu tư để rà soát, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư dự án, từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đến khâu đền bù, giải phóng mặt bằng".

Theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, thì tới năm 2030, thành phố cần xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội. Mặc dù vậy, kết quả mà thành phố đạt được là rất khiêm tốn. Sở Xây dựng TP. HCM đã đề xuất giải pháp về quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư; về đất đai, sắp xếp lại, xử lý, chuyển mục đích sử dụng tài sản công; về tài chính và nâng cao trách nhiệm của sở, ngành và UBND quận, huyện… Bên cạnh đó, Sở đã rà soát các dự án khả thi để sớm triển khai thi công xây dựng các dự án trong 27 dự án nhà ở xã hội đã được thành phố chấp nhận đầu tư. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh đầu tư công cho 4 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 4.000 căn hộ. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội hơn 10 năm qua, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân chia sẻ: "Các quy định mới tác động rõ ràng đến doanh nghiệp; Giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư nhà ở xã hội vì có định hướng về quy hoạch và bố trí quỹ đất rõ ràng và giao cho các địa phương thực hiện. Đối với doanh nghiệp, lợi nhuận chỉ có 10%, nên việc làm rõ, tính đúng, tính đủ để doanh nghiệp hạch toán là rất quan trọng vì không bị giảm đi 10% đó, chứ thực sự trước đây lợi nhuận cuối cùng giảm rất nhiều. Nếu làm tốt, cái 20% dịch vụ thương mại hay nhà ở thương mại trong dự án, chủ đầu tư sẽ có lời thêm".

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, trong năm 2024, cả nước đã xây dựng được khoảng 21.000 căn nhà ở xã hội. Dù không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng công tác phát triển nhà ở xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Vừa qua, 3 bộ Luật mới liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực, trong đó Luật Nhà ở 2023 có rất nhiều điểm mới tháo gỡ cho việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chính sách không thể có tác động ngay mà cần có thời gian để “ngấm” vào thực tế cuộc sống. Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nêu thực tế: "Đối với doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là lợi nhuận. Làm sao để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này phải đạt được lợi nhuận, có thể so với nhà ở thương mại thấp hơn một chút nhưng mức phải bình quân trên thị trường. Đất đai thì làm thế nào để đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội phải được tiếp cận một cách thuận lợi với chi phí thấp".

Theo phân tích của các chuyên gia, việc kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản là cần thiết, nhưng cần ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp để thị trường bất động sản phát triển cân bằng hơn. Đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, việc áp dụng các quy định mới của Luật Đất đai và Luật Nhà ở cần được thực hiện khẩn trương, để rút ngắn thời gian triển khai dự án. Bên cạnh đó, cơ chế cho phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp và công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp cũng cần mở hơn so với hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng: "Cần áp dụng Luật Nhà ở cho phép người dân có đất người ta tự xây dựng lên người ta bán. Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà ở cho người thu nhập thấp như thế nào để mọi thủ tục hành chính phải giảm đi. Một số thủ tục hành chính phải bỏ luôn trong giai đoạn chúng ta ban hành chính sách từ nay đến 2030. Chỉ cần trong quy hoạch thì người dân có thể xây được, vậy nguồn cung của loại nhà này mới tăng lên người thu nhập thấp mới mua được. Còn nếu chúng ta cứ làm tuần tự như hiện nay thì lâu lắm, mất nhiều chi phí lắm".

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các Chủ đầu tư khác thực hiện. Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, cần khẩn trương lập quy hoạch, thẩm định báo cáo tiền khả thi và cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Đối với trường hợp có Quyền sử dụng đất thì sẽ chấp nhận chủ trương đầu tư đồng thời với lựa chọn chủ đầu tư. Đối với trường hợp phải đấu thầu mà chỉ có một nhà đầu tư tham gia thì cũng chấp thuận luôn. Trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên thì sẽ thực hiện theo pháp luật về đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch và lựa chọn được chủ đầu tư đảm bảo năng lực nhất. Trong một số trường hợp sẽ giúp việc lựa chọn chủ đầu tư được nhanh hơn".

Mục tiêu đã đặt ra rất rõ ràng trong Đề án của Chính phủ về xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Chính sách cũng đã và đang được tạo ra. Quan trọng nhất hiện nay là việc chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện của các bộ, ngành, địa phương để công tác phát triển nhà ở xã hội đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, giúp người thu nhập thấp, công nhân được an cư, lạc nghiệp và góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/xa-hoi/can-chinh-sach-du-manh-de-phat-trien-nha-o-xa-hoi-trong-tinh-hinh-moi-post1144699.vov


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện