Những ngày cuối năm, khắp các trang mạng xã hội “phủ sóng” các bài đăng tuyển người lao động làm việc thời vụ nhắm vào độ tuổi học sinh, sinh viên, mẹ bỉm sữa, người có thu nhập thấp... với lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, “trả lương theo ngày”... Các bài đăng thu hút lượng tương tác lớn, nhiều người dân đã đăng ký ứng tuyển để có thêm thu nhập. Thế nhưng, thực tế trao đổi nội dung công việc lại không như những lời mời chào.
Những tin bài tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Trong một lần “lướt” Facebook, chị N.T.N. (TP Hà Tĩnh) tình cờ thấy một bài viết tuyển cộng tác viên làm hộp quà tết thu hút lượng tương tác khủng, cứ nghĩ đây là doanh nghiệp tuyển dụng uy tín, công việc thì nhẹ nhàng, lương được tính theo ngày (dao động từ 100 - 300 nghìn đồng) nên chị đã nhắn tin xin làm.
“Tính nhẩm ra một tuần vừa chăm con, vừa làm thêm cũng “bỏ túi” 1,5 - 2 triệu đồng. Trước khi tiến hành nhận việc, tôi phải chuyển cọc cho họ 100 nghìn đồng, nghĩ số tiền cũng không quá lớn nên tôi không ngần ngại mà chuyển ngay. Sau khi chuyển cọc thành công, họ tiếp tục yêu cầu tôi chuyển thêm một lần nữa với lý do hàng họ chuyển về số lượng lớn. Thấy thế, tôi đã từ chối công việc và gửi số tài khoản yêu cầu hoàn trả tiền cọc. Tuy nhiên, họ đã chặn ngay các tài khoản mạng xã hội của tôi rồi mất hút” - chị N. cho biết.
Chị H.T.H. ở Cẩm Xuyên chia sẻ bài viết lên Facebook để cảnh giác người thân, bạn bè.
Theo các cơ quan chức năng, càng cận Tết, các loại tội phạm trên không gian mạng lại hoạt động “rầm rộ” hơn bao giờ hết, với diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn hết sức tinh vi. Một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất là chào mời công việc với mức lương rất cao so với thị trường lao động. Những công việc này thường yêu cầu ít kỹ năng hoặc không cần kinh nghiệm, với mức lương từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, khi người lao động đồng ý, họ sẽ bị yêu cầu đóng một khoản "phí tuyển dụng" hay "phí hồ sơ", hoặc yêu cầu chuyển tiền để mua vật dụng cần thiết cho công việc.
Mới đây, chị H.T.H. ở Cẩm Xuyên cũng bị một người lạ mặt “ngỏ lời” làm thêm tại nhà, công việc nhẹ nhàng, chỉ việc thả tim vào ảnh khách sạn và khu du lịch được chỉ định. Đáng nói, cứ thả tim một ảnh là sẽ nhận được 10 nghìn đồng tiền công. Nhận thấy thủ đoạn lừa đảo, chị H. đã từ chối và ngay lập tức nhận được những tin nhắn xúc phạm của những kẻ lừa đảo.
Nhiều người dân đã "sập bẫy" khi tìm kiếm việc làm trên các nền tảng mạng xã hội.
“Trước đó, người thân tôi từng bị các đối tượng “lạ mặt” lừa đảo nên tôi đã ý thức được các hành vi tương tự. Nhóm đối tượng này thường đánh vào số tiền công để lừa đảo người dân, nếu không tỉnh táo thì rất dễ mắc bẫy, nhất là vào thời điểm cuối năm. Ngay sau đó, tôi đã đăng bài viết lên Facebook để mọi cùng biết và nêu cao cảnh giác” - chị H. cho biết.
Không chỉ tại Hà Tĩnh, tình trạng lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” đang diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Mới đây, vào đầu tháng 1/2025, một người dân sống ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng khi tham gia làm cộng tác viên online tại nhà với nhiệm vụ tăng tương tác cho một sàn thương mại điện tử.
Người dân cần cẩn trọng khi tìm kiếm việc làm, tránh "tiền mất, tật mang". (Ảnh Internet).
Chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” không phải hình thức lừa đảo mới, đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo. Tuy vậy, thời gian giáp tết Nguyên đán 2025, nhiều người dân vẫn “sập bẫy” lừa đảo tinh vi của các nhóm đối tượng.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác với những lời mời chào, luôn thường trực nguyên tắc "3 không" khi ứng tuyển công việc online: không tin tưởng - không đặt cọc - không cung cấp thông tin cá nhân.
Theo BHT
Link: https://baohatinh.vn/canh-giac-bay-viec-nhe-luong-cao-dip-cuoi-nam-post281416.html
Thêm ý kiến góp ý