Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 12.000 ha, đạt trên 20,1% diện tích lúa vụ xuân 2018. Trong đó, các địa phương có diện tích thu hoạch lớn như: Đức Thọ (86%); Vũ Quang (gần 33%); Can Lộc (gần 22%). Thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện để bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa.
Kiểm tra thực tế trên đồng ruộng xã Đức Long (Đức Thọ), Yên Lộc, Vượng Lộc và Tùng Lộc (Can Lộc), vụ lúa xuân đang bước vào kỳ thu hoạch rộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn bày tỏ sự hài lòng trước tinh thần thu hoạch nhanh gọn của bà con nông dân. Đặc biệt, sự chủ động trong công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và bà con nông dân từ cơ cấu giống đến phòng trừ sâu bệnh. Năm nay mặc dù tình hình sâu bệnh diễn ra phức tạp, nhưng kết quả vẫn cho năng suất khá.
Theo thống kê ban đầu, năng suất bình quân của Đức Thọ đạt 64 tạ/ha, vượt cao hơn năm trước, năng suất đạt đỉnh năm 2016; Can Lộc đạt 55- 56 tạ/ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị địa phương tiếp tục đốc thúc đẩy nhanh thu hoạch, phối hợp với công ty thủy nông lấy nước về điều hành thời vụ hè thu; kiểm soát chặt chẽ giống, vật tư nông nghiệp đầu vào vụ sản xuất hè thu tới, đảm bảo mùa sản xuất chủ động, an toàn và ăn chắc.
Cũng trong chiều nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã đi thăm, kiểm tra một số mô hình giống mới trên các địa bàn Can Lộc, Đức Thọ. Với yêu cầu thực tiễn của bộ giống chủ lực, việc Sở NN&PTNT đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử một số giống mới sẽ tạo điều kiện để tỉnh lựa chọn, bổ sung vào bộ giống, đáp ứng yêu cầu về kháng sâu bệnh (nhất là bệnh đạo ôn), có thời gian sinh trưởng ngắn, ứng phó với BĐKH và chất lượng gạo ngon.
Qua kiểm tra một số mô hình giống lúa BQ, DQ11, Lam Sơn 8 và TBR 279, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các giống mới đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, có kết quả đáng mừng. Sở NN&PTNT cần tiếp tục có đánh giá tổng thể một cách khoa học, cụ thể tất cả các loại giống làm cơ sở cơ cấu cho những vụ sản xuất tiếp theo.
Thêm ý kiến góp ý