Từ năm 1941 trở về nước lãnh đạo cách mạng đến năm 1969 qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta, con cháu của dân tộc ta một di sản quý báu gồm 22 bài thơ chúc Tết với một niềm tin xuyên suốt năm mới thắng lợi mới.
Những bài thơ chúc Tết của Bác là tiếng gọi của non sông, là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, là mệnh lệnh của trái tim được Bác truyền cho cả dân tộc. Các bài thơ chúc Tết chứa đựng trong đó những phong tục tập quán đẹp và thiêng liêng, lời thơ khai bút đầu xuân mang tính dự báo của tư duy cách mạng, sự linh ứng tuyệt vời giữa quy luật đất trời, thiên nhiên quyện với lịch sử phát triển của dân tộc ở một nhà tiên tri, nhà cách mạng vĩ đại.
Bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969 được xem như là bài thơ di chúc, bài thơ cuối cùng của Người trước lúc đi xa. Bài thơ vừa mang tính triết lý, tính thực tiễn; vừa là phương châm hành động cách mạng; vừa là lời hiệu triệu mà lại thể hiện được tư tưởng, tình cảm và sự tiên đoán tài tình về ngày thống nhất đất nước.
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Câu mở đầu bài thơ toát lên niềm vui. Bác không dùng chữ “lớn lao” mà dùng chữ “vẻ vang”. Vẻ vang không chỉ gợi nên âm điệu trữ tình mà còn có một ẩn ý sâu xa: Sự “quang minh, chính đại” sẽ mở đường cho thắng lợi càng to hơn, một thắng lợi quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc đứng lên “vì độc lập, vì tự do”. Chân lý đã được kết tinh ở Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Mỹ ngày 17/7/1966 của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Để giành được độc lập, tự do thì “chiến sĩ đồng bào” phải “tiến lên” đánh thắng kẻ thù. Vào lúc này, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn quyết liệt, bước tiếp theo được Bác nêu lên là “đánh cho Mỹ cút”, “đánh cho ngụy nhào”. Phương châm chiến lược đúng đắn và sáng tạo mà Bác nêu ra là cuộc chiến sẽ qua 2 bước để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nhiệm vụ đánh cho chúng “cút” (quét sạch, không còn nữa), rồi cho chúng “nhào” (đổ xuống) thật cụ thể, rõ ràng. Câu thơ nôm na với cách dùng từ “cút”, từ “nhào” vừa đắt, vừa hay về âm điệu (cút - nhào), từ ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ văn học; về ngữ điệu (đánh - đánh) cách ngắt nhịp bốn với hai âm trắc biểu thị sức mạnh của một cuộc công kích. Ở đây khi cảm nhận cái đẹp, phong phú, nhiều màu muôn vẻ của cuộc đời và nghệ thuật, ta còn nhận thấy được điều cao cả hơn là lòng nhân ái của Bác.
Cái đẹp không đi cùng với chết chóc, hơn thế nữa, Bác luôn đau đáu trong lòng và thường nhắc nhở các nhà văn, nhà báo khi tuyên truyền là “Không có trận đánh đẫm máu nào là đẹp cả dẫu là thắng lớn”. Bởi vậy cho nên trong bài thơ Bác không dùng đánh để tiêu diệt, mà Bác chỉ nêu lên nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, “đánh cho ngụy nhào”. Đây không chỉ lời thơ mà là tấm lòng của người cộng sản, là mục tiêu chiến đấu mà Bác nêu ra cho cách mạng miền Nam đấu tranh giành thống nhất đất nước mà ít tốn xương máu nhất. Nhận thức được điều nhân ái này của Bác, nhà thơ Việt Phương đã viết:
Bác không bằng lòng trận đánh chết nhiều là đẹp
Con xóa đi chữ “đẹp” như xóa đi hạn hẹp trong lòng.
Tư tưởng chỉ đạo chiến tranh trên quan điểm nhân nghĩa của cha ông ta có từ thời Nguyễn Trãi đã được Bác Hồ kế thừa và phát triển ở tầm cao mới, để rồi ngay cả kẻ thù cũng phải thừa nhận: “Ở con người Hồ Chí Minh, trí tuệ và cảm xúc chỉ là một”; để rồi nhân loại tiến bộ coi lòng nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc ta trong chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và bảo vệ hòa bình tiêu biểu cho lương tâm và phẩm giá của nhân loại.
Đã 50 năm rồi, cả dân tộc ta vào dịp tết đến, xuân về không còn được nghe những bài thơ chúc Tết của Bác nhưng dư âm những bài thơ chúc Tết năm nào của Bác mà các câu kết thường là “Thống nhất độc lập nhất định thành công”, “Thống nhất nước nhà thắng lợi”, “Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công” và ở bài thơ năm 1969 “Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”... vẫn còn vang vọng đến hôm nay.
Thực hiện lời Di chúc trong thơ của Bác, Đảng ta đã lãnh đạo sự nghiệp thống nhất năm sau thắng lợi càng to hơn năm trước. Năm 1972, sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi miền Nam, rồi đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đang từng bước chuyển mình theo con đường Bác Hồ đã chọn, thực hiện khát vọng cao đẹp của Người “vì độc lập, vì tự do”, xây dựng nước nhà ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”.
Theo Baohatinh.vn
Thêm ý kiến góp ý