Những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) là sự định hướng cần thiết trong xu hướng tham gia môi trường mạng hiện nay của cộng đồng. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Thành - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Tĩnh về vấn đề này.
P.V: MXH mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Công Thành: Những năm gần đây, các nền tảng MXH đã trở thành phương tiện truyền thông, tương tác, giải trí hàng đầu. Không chỉ là hệ sinh thái vô cùng hữu dụng đối với cộng đồng xã hội, MXH đã trở thành kênh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, thông qua các trang thông tin, nhóm điều hành trên ứng dụng Zalo, Facebook, Viber…, việc quản lý, điều hành, cung cấp thông tin được thực hiện vô cùng linh hoạt và thuận lợi, hiệu quả.
Bên cạnh những những giá trị và lợi ích như đã đề cập, MXH cũng kéo theo muôn vàn hệ lụy, tiêu cực. Với chế độ mở, không qua khâu kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải, MXH trở thành nơi bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân xuyên biên giới, tạo nên những “chuỗi khối” thông tin khổng lồ. Trong đó có không ít thông tin xấu độc, sai sự thật, thiếu kiểm chứng…, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân…
Thông qua MXH, thầy Đặng Quốc Tuấn, giáo viên Trường THCS thị trấn Lộc Hà, Hà Tĩnh (ngoài cùng bên phải) đã kêu gọi quyên góp được gần 150 triệu đồng để chung tay phòng, chống dịch. Ảnh: Tiến Dũng
Tại Hà Tĩnh, hoạt động MXH trong thời gian qua diễn ra khá sôi động, góp công rất lớn trong các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, phòng chống dịch bệnh Covid-19... Tuy vậy, thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ “cư dân mạng”, nhất là giới trẻ do thiếu kiến thức, nhận thức pháp luật và kỹ năng sử dụng MXH nên “vô tư” phát ngôn, chia sẻ những thông tin sai lệch, phiến diện; bày tỏ những quan điểm, thái độ cực đoan. Bên cạnh đó, không ít trường hợp cố tình chia sẻ những thông tin, hình ảnh “giật gân”, “câu like” phản cảm, những thông tin có chủ đích để thỏa mãn sở thích, ý đồ cá nhân…
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều cá nhân lợi dụng MXH để xuyên tạc vì thông tin sai sự thật về người bị nhiễm Covid-19.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, thời gian qua, Sở TT&TT Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của MXH. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sở đặc biệt chú trọng hoạt động giám sát, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính đối với 78 đối tượng, xử phạt 33 trường hợp với số tiền 216 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra sở cũng đã nhắc nhở, đề nghị gỡ bỏ, cải chính thông tin đối với hàng trăm trường hợp.
P.V: Điều đó cho thấy sự cần thiết phải áp dụng kịp thời Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Thành: Các hoạt động trên môi trường mạng nói chung và sử dụng MXH nói riêng đã được quy định khá rõ trong một số luật và văn bản dưới luật. Tuy vậy, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH vừa được Bộ TT&TT ban hành là hết sức cần thiết. Bộ Quy tắc đã “bao trùm” được các hành vi, tính chất, đối tượng tham gia MXH với các nhóm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ MXH.
Infographic: Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Nguồn: Vietnamnet
Mỗi nhóm được chi tiết hóa bằng các nội dung vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các nội dung ứng xử cũng bao hàm tính nhân văn, phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt.
Với những nội dung đó, Bộ Quy tắc sẽ thiết lập những “hàng rào” bảo vệ người dùng MXH trước sự “bủa vây” của các nguồn, loại hình thông tin; góp phần tạo ý thức, thói quen tích cực, xây dựng môi trường văn hoá, văn minh, tuân thủ pháp luật trên không gian mạng.
P.V: Sở TT&TT đã có kế hoạch triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Thành: Trên cơ sở nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Sở TT&TT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, đơn vị phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng.
Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là định hướng cần thiết cho người dùng mạng hiện nay. Ảnh: Kiều Minh
Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tăng cường theo dõi, tổng hợp việc thực hiện của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân; tập trung cao cho công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên MXH; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Qua đây, Sở TT&TT cũng khuyến nghị các cơ quan, đơn vị cần xây dựng, áp dụng triệt để các quy tắc, quy định sử dụng MXH đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị mình. Và trên hết, mỗi “cư dân mạng” cần nhận thức rõ việc giao tiếp, tương tác trên MXH cũng như trong đời sống thực hàng ngày, cần học cách ứng xử có văn hóa, trách nhiệm và trên hết là phải tuân thủ các quy định pháp luật. Có như vậy, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH mới thực sự là “áo giáp” phòng ngừa, ngăn chặn những yếu tố xấu độc, phi đạo đức, văn hóa; đồng thời lan tỏa những giá trị, hiệu ứng tích cực trên không gian mạng.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thêm ý kiến góp ý