Tuổi trẻ Hà Tĩnh góp sức xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Xuyên suốt trong các văn kiện đại hội Đoàn toàn quốc, nhất là Đại hội lần thứ IX (2007-2012), lần thứ X (2012-2017) và lần thứ XI (2017-2022), quan điểm coi trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi, chung tay cùng hệ thống chính trị và toàn xã hội xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định rõ nét. Những nội dung này cũng được cụ thể hóa trong văn kiện Đại hội Đoàn tỉnh Hà Tĩnh trong các nhiệm kỳ qua, trở thành kim chỉ nam cho các chương trình, phong trào hành động cách mạng của thanh thiếu nhi tỉnh nhà.
Tại lễ ra quân Tháng Thanh niên năm 2022 ở Nghi Xuân, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng BIDV Nam Hà Tĩnh trao hỗ trợ xây dựng 4 nhà nhân ái trị giá 200 triệu đồng.
Xác định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động ý nghĩa như: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng hình mẫu giá trị thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” chú trọng qua 4 tiêu chí: có lý tưởng, bản lĩnh cách mạng; đạo đức, lối sống văn hóa trong sáng; sáng tạo không ngừng; có ý chí, khát vọng vươn lên...
Các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách đã tạo môi trường cho tuổi trẻ Hà Tĩnh rèn luyện đạo đức, lối sống. Ảnh tư liệu
Bám sát các ngày lễ lớn, tuổi trẻ Hà Tĩnh tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với các chủ đề, chủ điểm: “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng; Tự hào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”; “Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên”; “Tự hào tuổi trẻ trên quê hương Hà Tĩnh”; “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ”… Tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tham quan, hành hương, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới và các hoạt động tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa. Chỉ tính riêng trong năm 2021, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã tổ chức hơn 1.000 hoạt động sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, hành hương về địa chỉ đỏ; hơn 18.000 đội viên được kết nạp Đoàn…
Kết nạp đoàn tại địa chỉ đỏ góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên. Trong ảnh: Đoàn trường THPT Hàm Nghi (Hương Khê) tổ chức lễ kết nạp đoàn tại Di tích LS-VH cấp quốc gia đền Trầm Lâm).
Các học sinh là thành viên CLB dân ca ví, giặm và ca trù Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) hào hứng tham gia sinh hoạt. Ảnh: Thiên Vỹ
Gắn với tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, các cấp bộ đoàn còn chú trọng tổ chức các hoạt động tạo môi trường cho thanh thiếu nhi rèn luyện đạo đức, lối sống thông qua các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa; sinh hoạt các tổ, đội, nhóm, sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ trong các trường học như: “Tự hào truyền thống quê hương Hà Tĩnh”; “Em yêu văn hóa dân gian”... Để giúp thanh niên hội nhập, các cấp bộ đoàn thường xuyên phát động các phong trào, hoạt động nâng cao năng lực tiếng Anh cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Các khu vui chơi cho thiếu nhi được lắp đặt tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố (ảnh trái). “Bộ đồ chơi dân gian” tại các nhà văn hóa thôn và các trường học hình vừa tạo sân chơi lành mạnh vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc (ảnh phải).
Góp sức xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tuổi trẻ Hà Tĩnh tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với nhiều hoạt động như trồng hàng rào xanh, lắp đặt khu vui chơi cho thiếu nhi, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng khu dân cư mẫu... Tuổi trẻ cũng sáng tạo xây dựng “bộ đồ chơi dân gian” tại các nhà văn hóa thôn và các trường học. Là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh sáng tạo mô hình này, anh Võ Thanh Bình - Bí thư Huyện đoàn Thạch Hà chia sẻ: “Bộ đồ chơi dân gian gồm các trò chơi truyền thống như: cà kheo, ô ăn quan, nhảy dây… được làm từ các nguyên liệu từ tự nhiên, rất gần gũi với thôn quê như tre, trúc, gỗ, vỏ sò. Mô hình vừa tạo sân chơi lành mạnh, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc tại lễ tổng kết Cuộc thi video clip “Hà Tĩnh trong tôi”.
Công trình “Mã QR tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa” được các tổ chức đoàn triển khai hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 100 điểm “Mã QR tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa”.
Không chỉ vậỵ, bắt nhịp với thời đại công nghệ số, các cấp bộ đoàn đã linh hoạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền sôi nổi qua mạng xã hội như thiết kế, đăng tải bộ Infographic “Kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh”; tổ chức các cuộc thi Video clip: hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ và “Hà Tĩnh trong tôi” quảng bá, giới thiệu những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch, thành tựu phát triển của tỉnh nhà; xây dựng hệ thống công trình thanh niên “Mã QR tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa” với hơn 100 điểm mã QR… Là thí sinh tham gia tích cực cuộc thi video clip “Hà Tĩnh trong tôi”, em Ngô Minh Châu - ĐVTN huyện Can Lộc chia sẻ: “Cuộc thi đã giúp em thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và lan tỏa tình yêu đó đến mọi người. Em đang là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, với ngành học và đam mê của mình, em sẽ nỗ lực để quảng bá, giới thiệu nhiều hơn nữa hình ảnh của Hà Tĩnh đến muôn nơi, nhất là những nét văn hóa dân gian, những danh lam, thắng cảnh trên địa bàn thông qua mạng xã hội, qua các phần mềm công nghệ. Em nghĩ rằng đó cũng chính là cách mà tuổi trẻ có thể góp sức để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, Sở GD&ĐT phối hợp phát động chương trình “Kế hoạch nhỏ - góp viên gạch hồng” quyên góp, gây quỹ tôn tạo Khu di tích lịch sử Chứng tích chiến tranh trường cấp II Hương Phúc (Hương Khê).
Mới đây nhất, cuối tháng 12/2021, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, Sở GD&ĐT phối hợp phát động chương trình “Kế hoạch nhỏ - góp viên gạch hồng” quyên góp, gây quỹ tôn tạo Khu di tích lịch sử Chứng tích chiến tranh Trường Cấp II Hương Phúc (Hương Khê). Không dừng lại ở việc quyên góp quỹ, đây còn là hoạt động ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu niên, học sinh về giá trị lịch sử của khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn.
Em Lê Lương Nhi, lớp 8A10, Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Hương Khê) chia sẻ: “Tham gia kế hoạch nhỏ, chúng em được hiểu biết rõ hơn về lịch sử Chứng tích chiến tranh tại Trường Cấp II Hương Phúc, về lịch sử địa phương và hiểu về những mất mát, hy sinh của thế hệ đi trước. Từ đó nhận thức rõ bản thân phải nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng với thế hệ cha ông ngày trước, góp phần xây dựng quê hương hôm nay”.
Diễn đàn “Tuổi trẻ sắt son niềm tin với Đảng” năm 2020. Ảnh tư liệu.
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong ĐVTN còn phải kể đến hàng trăm đám cưới được thực hiện theo cuộc vận động “Cưới văn minh, tiết kiệm”. Riêng năm 2021, toàn tỉnh vận động được gần 400 cặp đôi hoãn cưới, cưới văn minh mùa dịch.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động đồng loạt ra quân các “Ngày hội ĐVTN sáng tạo khởi nghiệp”, chỉ đạo các cấp bộ đoàn hưởng ứng với hơn 25.200 ý tưởng đăng tải lên Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam; khuyến khích ĐVTN tiên phong ứng dụng KH&CN trong lao động, sản xuất, cuộc sống. Chỉ đạo cơ sở tích cực hưởng ứng các cuộc thi về khởi nghiệp như: “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021, Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2021”; triển khai mô hình CLB “Sáng tạo trẻ”, “Không gian sáng tạo trẻ” trong khối trường học…
Bí thư Tỉnh đoàn Lê Thành Đông khẳng định: “Thanh thiếu nhi Hà Tĩnh đã và đang tiếp bước truyền thống cha anh, góp sức xây dựng đất nước trong bối cảnh mới. Trong đó, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc giai đoạn cách mạng mới là nội dung luôn được chú trọng. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tập trung triển khai có hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh thiếu nhi; lan tỏa, nhân rộng những giá trị tốt đẹp trong thanh thiếu niên. Vận động ĐVTN thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan. Đồng thời, tiên phong tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tích cực tham gia chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, đổi mới hình thức tuyên truyền bản sắc văn hóa truyền thống theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và đưa hoạt động của các mô hình, CLB, tổ đội nhóm trong lĩnh vực văn hóa theo hướng kết hợp truyền thống và hiện đại, tăng tính hấp dẫn với thanh thiếu nhi”.
Theo baohatinh.vn
Thêm ý kiến góp ý