Cha mẹ "khoe" thành tích của con lên mạng xã hội, chuyên gia giáo dục nói gì?
Đến hẹn lại lên, một năm học khép lại cũng là lúc mạng xã hội ngập bảng điểm, kết quả học tập của con trẻ do chính cha mẹ đăng tải. Câu chuyện không mới, song đã gây ra không ít tranh cãi. Có người thấy hành động này là tốt, “con mình giỏi thì mình khoe”. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, hành động này của bố mẹ chỉ làm thỏa mãn niềm vui của người lớn mà không hề nghĩ đến cảm xúc của trẻ con, vô tình càng gây áp lực về việc học hành cho con.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục cho rằng: Điểm số của các con chỉ chạy từ 0 điểm đến 10 điểm và nó không thể hiện bất kỳ điều gì về các vấn đề của con có thể gặp phải trong suốt quá trình học, hay nói chính xác hơn là nó thể hiện rất ít, rất mơ hồ. Điểm số không khẳng định sự trưởng thành và thành công của con sau này.
TS. Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục.
Nếu như các con lười, ẩu, ỷ lại nhưng các con may mắn, hoặc các con “trúng tủ”, hay quay cóp thì các con vẫn có điểm cao; rõ ràng lúc này điểm số chẳng thể hiện bất kỳ điều gì, nhưng tất cả những tính xấu kia lại là tiền đề cho sự thất bại của con sau này.
Theo TS Hương, việc bố mẹ khoe điểm số vô tình còn tạo rất nhiều áp lực cho con, cho gia đình, cho mọi người. Chưa kể việc khoe như thế để lại hậu quả lớn hơn, ví dụ đứa trẻ không có khả năng đánh giá như người lớn thì nó sẽ rơi vào tình trạng hoang tưởng, tưởng rằng mình giỏi, mình “vô địch”; như vậy, đứa trẻ không nhận diện được những khiếm khuyết, sai lầm của mình, có thể dễ dàng bị “bệnh” tự mãn và dẫn đến những tính cách khác.
“Nếu đứng ở trên phương diện lợi ích của trẻ thì việc khoe điểm đó không có lợi ích gì cả; nó chỉ là thỏa mãn khao khát được khoe, được gặm nhấm cảm giác thành công của bố mẹ”, chuyên gia giáo dục nêu quan điểm.
Theo TS Vũ Thu Hương, qua việc khoe điểm cũng thể hiện bố mẹ đang gây áp lực đối với chính họ, chứ không chỉ gây ra áp lực với các con. Vì họ tự gắn thành tích của con với sự thành công trong giáo dục con của họ. Khi mà đứa trẻ những năm học sau bị “sảy chân” chẳng hạn, không có số điểm đẹp như thế nữa thì lúc đó chắc chắn trong gia đình sẽ mâu thuẫn và đứa trẻ sẽ phải chịu áp lực rất lớn, những khó chịu, những căng thẳng mà bố mẹ đổ vào đầu con, trong khi điểm số chẳng thể hiện bất kỳ điều gì.
Theo TS Vũ Thu Hương, thực tế có nhiều bố mẹ đánh đồng điểm số đẹp là thành công, đánh đồng thành công của con là thành công của chính mình; như vậy họ tự gây áp lực cho chính mình và cho cả con cái.
TS Hương từng có câu nói nhắn nhủ tới các phụ huynh: “Đừng biến thành công của con là vinh quang của chính mình; đừng đòi hỏi con phải thành công để đem lại vinh quang cho bố mẹ”. Vì theo chuyên gia giáo dục, điều đó rất là kỳ quặc.
Còn theo quan điểm của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội): Nếu nhìn sự việc một cách phản biện, việc khoe con lên mạng cũng có giá trị khích lệ động viên, tặng con một phần thưởng là sự chú ý, sự tôn trọng của người khác. Khi con nhận được sự chú ý tích cực và động viên khích lệ từ những người bạn, con trẻ có thể có những động lực mới, cố gắng hơn trong học tập....
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội).
Ở khía cạnh tích cực, chúng ta cũng cần những tấm gương cá nhân xuất sắc để làm hình mẫu truyền cảm hứng cho người khác, thúc đẩy sự kiên cường và khả năng vượt khó của người khác.
Những thành tích cá nhân được cộng đồng ghi nhận, tạo hiệu ứng tốt cũng góp phần xây dựng nên thương hiệu cá nhân, giúp cá nhân có thể nhận được những cơ hội mới về học tập, học bổng hoặc nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ, cha mẹ cần luôn ý thức được nguy cơ và phải chắc chắn mình quản lý được những nguy cơ đó trước khi đăng khoe thành tích của con lên mạng, đặc biệt là khi chúng ta khoe khoang quá đà.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam: Việc khoe với những lời tán dương cao hơn năng lực thật sẽ gây ra những áp lực không cần thiết. Đứa trẻ cảm thấy mình chỉ có giá trị khi đạt được những kỳ vọng thành tích ngày càng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và sự tự tin của con... thậm chí làm nhiều đứa trẻ nản chí, bỏ cuộc và chọn cách thức trốn chạy rất tiêu cực trước những thất bại như tự hại bản thân, tự tử,…
Việc khoe khoang con lên mạng xã hội sẽ tạo nên sự so sánh và cạnh tranh không lành mạnh. Có thể chính sự khoe khoang con của cha mẹ sẽ là mồi nhử cho những châm biếm và ghen tị giữa những người bạn cùng lớp, và hệ quả là con chúng ta bị bắt nạt, tẩy chay, cô lập và dẫn đến các tổn thương tinh thần khác nữa.
“Rồi hiện tại "dấu chân số" của đứa trẻ trên mạng lộ diện ngày càng sớm. Nó ảnh hưởng đến quyền riêng tư và tính bảo mật cho đứa trẻ... Những hình ảnh khoe khoang con có thể vô tình cung cấp thông tin cá nhân làm mồi cho những kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo con cái bị tai nạn để lừa tiền”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Do vậy, trước khi làm một việc gì, nhất là đăng thông tin của con lên mạng, chưa biết lợi hay hại nhưng phụ huynh hãy nên cân nhắc thật kỹ trước khi đăng tải, nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo ĐS&PL
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-me-khoe-thanh-tich-cua-con-len-mang-xa-hoi-chuyen-gia-giao-duc-noi-gi-a577111.html
Thêm nhận xét mới