Bác sĩ chống dịch ủng hộ chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Theo BS. Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ khi Việt Nam thực hiện chiến lược “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ từ tháng 10/2021, tình hình dịch trong nước đã được kiểm soát tốt và không gây quá tải hệ thống y tế.
Hiện nay, Việt Nam vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 ở trong và ngoài bệnh viện và cộng đồng nhưng đa số triệu chứng của họ nhẹ nhàng hơn trước đây rất nhiều. Vẫn có những trường hợp chuyển nặng phải vào viện điều trị nhưng số lượng này ít hơn trước đây rất nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp mắc COVID-19 trên nền bệnh mạn tính và tử vong sau đó, nhưng số trường hợp này rất ít.
BS. Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai
BS. Nguyễn Quốc Thái cho biết, bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có mức độ lây lan nhanh, kèm theo là tỷ lệ tử vong cao. Trong khi, nhóm B là nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, nhưng tỷ lệ tử vong không cao. Còn nhóm C là nhóm bệnh truyền nhiễm không nguy hiểm.
BS. Nguyễn Quốc Thái đánh giá, với Việt Nam, sau 3 năm phòng, chống dịch, đã ghi nhận các yếu tố thay đổi. Thứ nhất, là đặc điểm sinh học của virus đã thay đổi.
“Trước đây (vào năm 2020), virus có đặc điểm lây truyền nhanh, độc lực cao, thì sau một vài năm, virus SARS-CoV-2 có nhiều biến thể và xuất hiện đúng theo quy luật - rất dễ lây lan, lây nhanh hơn hồi năm 2020, nhưng độc lực lại giảm thấp. Gần đây nhất là biến chủng XBB1.16 và những biến chủng sau này nữa có đặc điểm lây lan rất nhanh nhưng nguy cơ nhập viện, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất thấp. Sự khác biệt của virus thay đổi dẫn đến nhóm bệnh thay đổi. Nghĩa là khi virus lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong thấp thì nó phù hợp với một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Ví dụ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được xếp vào nhóm B như cúm. Và hiện nay chúng ta thấy COVID-19 rất giống cúm: Rất dễ lây, biểu hiện bệnh khá nhẹ nhàng, mặc dù bệnh COVID-19 hiện nay vẫn gây tử vong nhưng tử vong chỉ xuất hiện ở những người chưa có miễn dịch, những người có bệnh nền nặng nề”, BS. Thái phân tích cụ thể.
Thứ hai, COVID-19 hiện nay đã có vaccine, và số người được tiêm vaccine ngày càng nhiều, diện bao phủ ngày càng lớn. Đấy là yếu tố mang tính chất quyết định để 1 căn bệnh có nguy cơ cao trở thành 1 căn bệnh truyền nhiễm kiểm soát được. Và khi có vaccine phòng bệnh thì với 1 bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng là nó chuyển sang 1 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong tầm tay.
“Có một điều tôi muốn nhấn mạnh, cúm là bệnh thuộc nhóm B (dễ lây và có thể tác động đến những người có bệnh nền...) nhưng tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao hơn nhiều so với bệnh cúm. Như vậy, COVID-19 còn ít đáng lo ngại hơn so với bệnh cúm thông thường”, BS. Thái nói thêm.
Thứ ba, khi đánh giá diễn biến dịch trên thế giới, Mỹ trong tháng 5/2023 đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc.
BS. Thái nhận định: “Nếu Việt Nam chuyển từ trạng thái phòng chống dịch sang trạng thái mới - là xử lý bệnh COVID-19, trong trường hợp này là chuyển sang nhóm B là hoàn toàn hợp lý. Với 3 lý do như trên, có thể nói chúng ta hoàn toàn yên tâm khi các nhà quản lý và chuyên môn chuyển COVID-19 từ trạng thái nhóm A sang nhóm B”.
Theo ý kiến các chuyên gia, khi chuyển COVID-19 sang nhóm B thì các cơ quan quản lý cũng như Bộ Y tế cần nhanh chóng đưa ra hướng dẫn về việc vận dụng chẩn đoán điều trị trong tình hình mới để người dân đi khám ở cơ sở y tế có thể sử dụng thẻ BHYT trong chi trả khám chữa bệnh một cách thuận lợi. Cũng như ban hành các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý để hệ thống y tế vận hành một cách trơn tru nhịp nhàng, để người dân biết cách chăm lo sức khỏe trong tình hình mới.
Tuy nhiên, người dân vẫn luôn phải có ý thức phòng bệnh, khi mầm bệnh luôn tiềm ẩn, theo đó, luôn phải thực hiện tốt 2K (rửa tay, đeo khẩu trang) và tiêm vaccine phòng bệnh.
(Ảnh minh họa)
Khi COVID-19 chuyển sang nhóm B thì có thể xác định đây là một bệnh lưu hành và trên cơ sở đó Việt Nam có thể công bố chấm dứt dịch. Trong 3 năm chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế, toàn bộ nhân dân... đều đã trải qua những giai đoạn dịch căng thẳng và khó khăn nhất. Từ đó hiểu và tự trang bị cho mình kinh nghiệm để bảo vệ bản thân và phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng.
“Khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, các thầy thuốc ở tuyến cơ sở - chăm sóc sức khỏe ban đầu, khi tiếp xúc người bệnh có những biểu hiện viêm đường hô hấp trên, thì vẫn có thể khám, cho xét nghiệm, điều trị và hướng dẫn tư vấn như bình thường. Nếu thấy vấn đề gì vượt khả năng khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng thì cho chuyển tuyến trên, nhập viện... Sự bình thường hóa này rất quan trọng, nó không còn là rào cản đối với quyền được tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân, thậm chí họ được điều trị tốt hơn. Chúng ta thay đổi hành vi để giúp cộng đồng được an toàn hơn”, BS. Thái nhấn mạnh./.
Theo VOV
Link nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/bac-si-chong-dich-ung-ho-chuyen-covid-19-sang-benh-truyen-nhiem-nhom-b-post1025341.vov
Thêm nhận xét mới