Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tư lệnh các ngành nội vụ, y tế, tài nguyên và môi trường

  

08:26 14/07/2023

Sáng nay (14/7), sau phần trả lời của Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn và Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo đăng đàn trả lời chất vấn.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Sáng nay (14/7), Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII tiếp tục chương trình làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu các đại biểu chất vấn nêu câu hỏi đúng trọng tâm.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Phan Tấn Linh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Nghi Xuân) nêu thực trạng hiện nay, nguồn cát tại Hà Tĩnh mới chỉ đáp ứng được một phần rất ít so với nhu cầu thực tế và giá cát đắt hơn so với một số địa phương khác, vậy có hay không tình trạng khai thác cát lậu?

Đại biểu cũng đề nghị Giám đốc Sở TN&MT làm rõ hơn giải pháp nhằm khắc phục tình trạng giá mua đất của DN tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định.

Đại biểu Phan Tấn Linh - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Nghi Xuân) chất vấn Giám đốc Sở TN&MT.

Trả lời vấn đề này, người đứng đầu ngành TN&MT thừa nhận, giá cát tại Hà Tĩnh đắt hơn so với một số địa phương khác. Nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý Nhà nước tại tỉnh ta khá chặt chẽ; nguồn cát của Hà Tĩnh không nhiều do đa phần các con sông chảy qua địa bàn nhỏ, hẹp, dốc trong khi tỉnh đẩy mạnh công tác quy hoạch.

Về tình trạng khai thác cát lậu, Giám đốc Lê Ngọc Huấn cho biết, thời gian vừa qua, đã nhận được một số ý kiến phản ánh của cử tri xoay quanh nội dung này, đây là thực trạng có thật và trách nhiệm thuộc về cấp huyện, cấp xã.Tư lệnh ngành TN&MT đề nghị các địa phương cần thực hiện vai trò quản lý Nhà nước đối với nguồn tài nguyên khoáng sản; HĐND cấp huyện thường xuyên giám sát; Ban Thường vụ Huyện ủy làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm.


Đối với vấn đề đại biểu nêu liên quan đến giá mua đất của DN tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định, ông Lê Ngọc Huấn khẳng định, các công trình chậm tiến độ xin gia hạn thời gian thi công xuất phát từ nguyên nhân GPMB, thiên tai và chưa ghi nhận nguyên nhân do khai thác nguồn vật liệu.

Ông Lê Ngọc Huấn cũng đề nghị DN phải đồng hành cùng các cơ quan chuyên môn trong thực hiện các nội dung đã cam kết, phản ánh trung thực, khách quan các thực trạng diễn ra trên địa bàn.

Đại biểu Phạm Nghĩa chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu Phạm Nghĩa - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi về tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980 cho người dân. Giám đốc Sở TN&MT cũng đã thông tin về tiến độ, lộ trình thực hiện của ngành.

Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh Lê Thành Đông (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại TX Hồng Lĩnh) chất vấn về vấn đề khắc phục tình trạng chậm định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất đối với các khu đất tỉnh đã thu hồi.

Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh Lê Thành Đông (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại TX Hồng Lĩnh) cho rằng, mặc dù Sở TN&MT đã đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng chậm định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất của các sở, ngành và Trung tâm Phát triển quỹ đất đối với các khu đất tỉnh đã thu hồi song chỉ có một phương án rõ tiến độ xử lý. Đại biểu đề nghị tư lệnh ngành TN&MT cam kết lộ trình cụ thể.

Làm rõ hơn vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho biết quá trình đấu giá đất phải thực hiện qua 12 bước giá và được các sở, ngành liên quan như: Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở TN&MT thẩm định, phê duyệt. Do vậy, không thể đưa ra được lộ trình cụ thể đối với nội dung đại biểu đã nêu.

Đại biểu Đào Thị Anh Nga - Trưởng ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Lộc Hà) đề nghị Giám đốc Sở TN&MT làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp liên quan đến Dự án khu đô thị Đông Nam huyện Kỳ Anh chậm tiến độ.

Trưởng ban Văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga cho biết: Dự án khu đô thị Đông Nam huyện Kỳ Anh được đầu tư xây dựng song đã hơn 8 năm vẫn chưa hoàn thành; giai đoạn 1 có 88 hạ tầng chưa được đấu giá. Vậy, khi nào dự án hoàn thành, xin ông có thể cho biết về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp?

Giải đáp những thắc mắc của đại biểu Đào Thị Anh Nga, Giám đốc Lê Ngọc Huấn khẳng định, dự án đã trải qua 6 lần đấu giá và 2 lần hạ giá không thành; quá trình đấu giá gặp không ít khó khăn. Tư lệnh ngành khẳng định thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở TN&MT cũng đã làm rõ câu hỏi của đại biểu Đào Thị Anh Nga xung quanh việc thực hiện Quyết định 2427/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đối với việc cấp mỏ dọc quốc lộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn tư lệnh ngành TN&MT về các vấn đề liên quan đến giao đất xây dựng nhà văn hóa.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga về phương án xử lý các lô đất dôi dư thực hiện tái định cư, trong đó 735 lô đã giao cho trung tâm quản lý quỹ đất quản lý và đấu giá, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, hiện nay, trong 735 lô đất, có 103 trung tâm quản lý quỹ đất làm chủ đầu tư, 632 lô đất các huyện làm chủ đầu tư, chủ yếu là đất dôi dư khu tái định cư trước đây từ nguồn vốn Trung ương và trái phiếu Chính phủ. Hiện nay, có những lô đất đã đủ điều kiện thu hồi đưa vào đấu giá nhưng cũng có nhiều lô đất chưa giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư hạ tầng nên chưa thể đấu giá.

Nêu khó khăn trong giải quyết nội dung này, Giám đốc Sở TN&MT cho biết do quá trình thu thập tài liệu khó khăn do đã lâu, cán bộ làm các thời kỳ đã luân chuyển công tác, nghỉ hưu gây khó khăn cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, nhiều lô hồ sơ không lưu trữ, một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong soát xét hồ sơ… Phương án sử dụng đất trong thời gian tới, Giám đốc Sở TN&MT cho biết UBND tỉnh có các quyết định phê duyệt phương án đấu giá 67 lô đất Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Trong tổng số 103 lô đất trung tâm quản lý, chỉ đấu giá 87 lô, 15 lô phải hoàn thiện hạ tầng, 1 lô đề xuất giao địa phương mở rộng nhà văn hóa.

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn trả lời các câu hỏi bức thiết của đại biểu.

Các đại biểu nghe Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn.

Trước đó, vào chiều 13/7, tư lệnh ngành TN&MT đã trả lời nhiều câu hỏi bức thiết của đại biểu liên quan tới giải pháp khắc phục tình trạng một số dự án chậm tiến độ do thiếu nguồn đất, cát san lấp; giá mua đất của DN tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định; tình trạng chậm định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất của các sở, ngành cũng như Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Ngoài ra, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã yêu cầu người đứng đầu ngành TN&MT làm rõ nguyên nhân chưa ban hành Đề án xử lý rác thải giai đoạn 2020-2030; trách nhiệm và tình trạng cấp đất sai thẩm quyền...

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII sáng 14/7, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức đăng đàn trả lời tổng hợp các nhóm nội dung thuộc ngành.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu.

Trả lời câu hỏi vì sao khó khăn liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm trong các cơ sở y tế công lập đã được Trung ương, tỉnh quan tâm tháo gỡ nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai được, tư lệnh ngành Y tế nêu rõ: Hiện nay, vẫn còn tình trạng thiếu một số thuốc hướng thần, tiền chất, dược liệu, vị thuốc cổ truyền và một số thuốc khác do không có nhà thầu tham gia dự thầu. Nguyên nhân do giá chưa hợp lý, một số mặt hàng dự trù số lượng ít và giá trị thấp hoặc do nguồn hàng cung ứng không ổn định, dễ bị đứt chuỗi cung ứng, nên nhà thầu không dự thầu.

Đối với vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, mặc dù Bộ Y tế và UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, nhưng do chưa đủ thời gian để thực hiện xong quy trình, thủ tục mua sắm nên vẫn còn tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm tại các cơ sở y tế công lập. Ngoài ra, việc đơn vị được tự mua sắm còn gặp một số khó khăn như: các gói thầu lớn trên 500 triệu đồng phải thực hiện nhiều bước thủ tục; theo quy định về phân cấp quản lý tài sản công, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định mua sắm tài sản công không quá 100 triệu đồng/1 đơn vị tài sản hoặc 1 gói thầu, mức này là quá thấp so với nhu cầu của các cơ sở y tế…

Về các giải pháp, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sử dụng thay thế bằng các thuốc có cùng tác dụng điều trị; thực hiện điều chuyển; chủ động mua sắm đối với các mặt hàng thiếu. Hiện nay, Sở Y tế cũng đang triển khai đấu thầu lần 2 đối với các thuốc hóa dược, dự kiến có kết quả trong tháng 9/2023.

Nâng cao năng lực công tác đấu thầu cho cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ mua sắm của các cơ sở y tế; linh hoạt thực hiện các phương án mua sắm phù hợp; sửa đổi quy định về phân cấp quản lý tài sản công; đề nghị UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư không phải thực hiện thẩm định giá nhà nước theo Quyết định 39/2021/QĐ-UBND đối với các gói thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm đã được xác định giá gói thầu theo quy định tại Thông tư 14/2023/TT-BYT.


Trước thực trạng bác sỹ tuyến xã ngày càng thiếu, Giám đốc Sở Y tế thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh có 179 bác sĩ làm việc tại 216 trạm y tế tuyến xã, chưa đạt chỉ tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX là 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc.

Tư lệnh ngành Y tế cho biết, mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút bác sĩ nhưng chỉ thu hút được về tuyến tỉnh và tuyến huyện. HĐND tỉnh cũng có quy định hỗ trợ 100% học phí cho khóa đào tạo, nhưng với thời gian đào tạo khá dài nên nhiều cán bộ y tế không có nguyện vọng đi học liên thông từ y sĩ lên bác sĩ.

Để khắc phục tình trạng này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị tăng cường tuyên truyền các chính sách của tỉnh về thu hút, hỗ trợ đào tạo bác sĩ tuyến xã để Nhân dân và cán bộ y tế biết để thực hiện; các địa phương có thêm các cơ chế, khuyến khích, động viên để thu hút, tuyển dụng các bác sĩ về công tác trên địa bàn và thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với đội ngũ bác sĩ từ tuyến huyện về tuyến xã.

Giám đốc Sở Y tế cũng làm rõ các nội dung liên quan đến hạch toán việc sử dụng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, tự nguyện tại các bệnh viện công lập; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Giám đốc Sở Y tế thông tin: Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập 451 đoàn, tiến hành kiểm tra tại 9.094 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Kết quả có 8.329 cơ sở đạt (chiếm 91,6%); 765 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (chiếm 8,4%); phạt tiền gần 600 triệu đồng.

Đại biểu Phạm Nghĩa - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Y tế.

Chất vấn tại hội trường, đại biểu Phạm Nghĩa - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh yêu cầu làm rõ hơn khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, tự nguyện tại các bệnh viện công lập, việc hạch toán thu chi ra sao để đảm bảo minh bạch. Trả lời câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn về giá dịch vụ theo yêu cầu. Đồng thời, dẫn một số quy định, văn bản liên quan đến cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

Về hạch toán thu chi, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế thực hiện hạch toán và theo dõi riêng doanh thu, chi phí và phản ánh đầy đủ trên sổ kế toán, báo cáo tài chính; trích và sử dụng khấu hao, hao mòn tài sản cố định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật. Đến nay, chưa phát hiện sai phạm trong hạch toán tài chính.

Đại biểu Thái Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề mua sắm vật tư hóa chất, sinh phẩm y tế.

Về vấn đề mua sắm vật tư hóa chất, sinh phẩm, đại biểu Thái Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị người đứng đầu Sở Y tế làm rõ hiện nay trên địa bàn tỉnh còn xảy ra tình trạng người bệnh phải tự mua sắm vật tư hóa chất, sinh phẩm trong điều trị bệnh hay không? Nếu còn tình trạng đó, sở có giải pháp gì để xử lý?

Đại biểu Thái Sinh cũng bày tỏ băn khoăn về các vấn đề liên quan đến vi phạm ATVSTP. Làm cách nào để xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn?

Trả lời chất vấn của đại biểu Thái Sinh, người đứng đầu Sở Y tế thẳng thắn thừa nhận tình trạng người bệnh tự mua hóa chất, sinh phẩm vẫn đang xảy ra. Hiện nay, Sở Y tế đang triển khai đấu thầu lần 2 đối với các thuốc hóa dược, dự kiến có kết quả trong tháng 9; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sử dụng thay thế bằng các thuốc có cùng tác dụng điều trị; thực hiện điều chuyển; chủ động mua sắm đối với các mặt hàng thiếu để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Về thanh tra, xử phạt các trường hợp vi phạm ATVSTP, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, giải pháp trọng tâm là tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định xử phạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra; nâng cao năng lực cho người quản lý và nhận thức cho người kinh doanh; đồng thời yêu cầu người đứng đầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê Từ Thị Hòa (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Hương Khê) đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Y tế.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê Từ Thị Hòa (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Hương Khê) đặt câu hỏi: hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện cơ chế tự chủ về chi thường xuyên. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, một số bệnh viện thu không đủ chi dẫn đến nợ tiền thuốc, nợ tiền vật tư sinh phẩm, chế độ của cán bộ, công nhân viên… dẫn đến tình trạng nhiều người xin nghỉ việc, trong đó có nhiều bác sĩ trình độ chuyên môn cao. Giám đốc có thể cho biết hướng tháo gỡ, khắc phục?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Từ Thị Hòa, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập là chủ trương chung nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý của các đơn vị.

Thời gian vừa qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn đã thực hiện tốt cơ chế này và đời sống cán bộ, công nhân viên đã được nâng lên đáng kể. Qua thực tế so sánh giữa khối được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cấp và khối được hưởng lương từ tự chủ tài chính cho thấy, khối tự chủ có thu nhập nhỉnh hơn. Trường hợp đại biểu Hòa phản ánh là số ít và trách nhiệm quản lý thuộc người đứng đầu.

Về các giải pháp trước mắt, cấp ủy, chính quyền các địa phương và Sở Y tế cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý của người đứng đầu. Đối với các trường hợp không có chuyển biến hoặc vi phạm, sẽ áp dụng biện pháp điều chuyển hoặc thay đổi vị trí công tác.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Lộc Hà) chất vấn Giám đốc Sở Y tế về tình trạng mất ATVSTP và giải pháp đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ bác sĩ khi Nghị quyết 72/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hết hiệu lực.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Lộc Hà) chất vấn Giám đốc Sở Y tế về vấn đề: Thời gian qua, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra ATVSTP tại 9.094 cơ sở, kết quả có 765 cơ sở vi phạm (chiếm 8,4%), phạt tiền gần 600 triệu đồng, còn thấp so với thực tế. Đại biểu Nga cũng đề nghị người đứng đầu ngành Y tế có hướng xử lý cụ thể hơn đối với tình trạng mất ATVSTP tại cổng các trường học; giải pháp đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ bác sĩ khi Nghị quyết 72/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hết hiệu lực.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Thị Anh Nga về giải pháp đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ bác sĩ, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức cho hay: đã nắm thông tin 11 bác sỹ tuyến huyện được cử đi đào tạo chưa được hưởng chính sách theo Nghị quyết 72/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, đội ngũ bác sỹ này được UBND cấp huyện tuyển dụng, bổ nhiệm; do đó trách nhiệm quản lý không thuộc Sở Y tế.

Người đứng đầu ngành Y tế thông tin thêm, trong 3 năm (2020-2023), Sở Y tế đã cử 126 bác sỹ và 100 cán bộ, nhân viên đi đào tạo; đội ngũ nhân lực này đã được hưởng chế độ theo nghị quyết của HĐND tỉnh.Giám đốc Sở Y tế cũng đề nghị Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện nên rà soát các trường hợp đã được cử đi đào tạo nhưng chưa được hưởng chính sách để có phương án tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chất vấn tại kỳ họp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy về vấn đề thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, Giám đốc Sở Y tế cho biết ngành đã có các giải pháp như: tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, xử lý vi phạm. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo cho người dân khi lựa chọn thực phẩm an toàn và cần phản ánh, tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hành vi vi phạm trong kinh doanh thực phẩm không đảm bảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu câu hỏi: Vẫn còn thực trạng tân binh nhập ngũ không đảm bảo sức khỏe, trách nhiệm của ngành y tế như thế nào?

Tiếp tục chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh hỏi: Vẫn còn thực trạng tân binh nhập ngũ không đảm bảo sức khỏe, trách nhiệm của ngành y tế như thế nào?Trả lời câu hỏi của đại biểu Nhuần, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức phân tích, vẫn còn tình trạng một số công dân khi nhập ngũ có sử dụng một số loại thuốc, chất kích thích nhằm thay đổi các chỉ số trong cơ thể, ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, khám sức khỏe.


Ông Nguyễn Minh Đức mong muốn các đại biểu, cử tri nếu phát hiện trường hợp cán bộ y tế không trung thực trong khám nghĩa vụ quân sự, bỏ qua dị tật, bệnh nhằm tạo điều kiện cho công dân nhập ngũ hãy kịp thời phản ánh, ngành sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý. Với trách nhiệm của ngành, sẽ tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, y đức, trình độ chuyên môn cho các y, bác sỹ để đảm bảo khám nghĩa vụ quân sự đạt chất lượng, thực hiện đúng quy định.

Nhấn mạnh về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng chia sẻ: Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân, vì vậy, mong các bậc phụ huynh quan tâm, giáo dục con em tham gia với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, tránh để xảy ra tình trạng sử dụng một số loại thuốc, chất kích thích nhằm thay đổi các chỉ số trong cơ thể, ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, khám sức khỏe.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo đăng đàn trả lời các nhóm nội dung thuộc ngành.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII sáng 14/7, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo đăng đàn trả lời các nhóm nội dung thuộc ngành.

Người đứng đầu ngành đã làm rõ các nội dung liên quan đến tỷ lệ thí sinh trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng công chức cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đạt thấp; kế hoạch tuyển dụng biên chế còn thiếu; việc thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Ngoài ra, các vấn đề về luân chuyển, điều động giáo viên bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở các địa phương; điều kiện cho con em người Hà Tĩnh có cơ hội được tuyển dụng giáo viên tiểu học trong thời gian tới; giải pháp về hoạt động của mô hình y tế tuyến huyện cũng được tư lệnh ngành trả lời chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ chia sẻ giải pháp trong luân chuyển, điều chuyển và đào tạo đội ngũ giáo viên điều chuyển giữa các cấp học.

Chất vấn tại hội trường, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hà Tân nêu thực trạng thiếu giáo viên tiểu học tại huyện Vũ Quang và đề nghị lãnh đạo sở chia sẻ giải pháp trong luân chuyển, điều chuyển và đào tạo đội ngũ giáo viên điều chuyển giữa các cấp học.

Ông Lê Minh Đạo - Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ: Để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên cần biệt phái giáo viên; tiếp tục công tác tuyển dụng… Ngoài ra, tỉnh đã có chủ trương về đào tạo văn bằng 2 cho các địa bàn có nhu cầu nhằm bổ sung giáo viên ở các đơn vị còn thiếu; hiện Sở GD&ĐT đang rà soát số lượng giáo viên có nhu cầu.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Nghi Xuân) chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ.

Trả lời chất vấn của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Nghi Xuân) về các giải pháp và lộ trình cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu công chức, viên chức cấp huyện, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, với viên chức, UBND tỉnh đã phê duyệt 828 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức trong năm 2023 và hiện nay các đơn vị đang tổ chức tuyển dụng.

Đối với công chức, hiện cũng đang được rà soát và sẽ phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức để phê duyệt trong năm 2023 theo các phương án: tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ, thi và xét tuyển.


Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo về tình trạng giáo viên thôi việc trên địa bàn tỉnh gần đây có xu hướng gia tăng, đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tại Hà Tĩnh, từ năm 2020 đến ngày 30/4/2023, có 175 cán bộ, công chức xin thôi việc vì lý do cá nhân. Trước thực trạng cán bộ, giáo viên thôi việc có xu hướng gia tăng, người đứng đầu Sở Nội vụ lý giải xuất phát từ nguyên nhân: Do áp lực công việc ngày càng lớn, đòi hỏi chất lượng cao; chế độ tiền lương và phụ cấp chưa đảm bảo; cơ sở vật chất tại các trường học chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp; chuyển làm công việc khác phù hợp khả năng của cá nhân và nguyện vọng của gia đình; nghỉ hưu trước tuổi.

Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, đề nghị các ngành, địa phương nghiêm túc khắc phục tình trạng giáo viên thôi việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giáo viên; thực hiện tốt chính sách về phát triển giáo dục mầm non theo Nghị quyết 92/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong sử dụng, điều động và biện phái giáo viên; chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá các nguyên nhân để kịp thời có giải pháp xử lý; quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên.


Trước sự quan tâm của Chủ tịch HĐND tỉnh về định hướng triển khai Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiến hành rà soát các điều kiện về quy mô, diện tích, dân số ở 2 cấp huyện, xã. Qua rà soát, Hà Tĩnh có 3 đơn vị hành chính cấp huyện gồm TX Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà cùng 8 đơn vị cấp xã phải thực hiện sáp nhập.

Sở Nội vụ cũng đã báo cáo với UBND tỉnh về các phương án sơ bộ ban đầu. Đến thời điểm hiện tại, do UBTVQH chưa ban hành nghị quyết và Chính phủ chưa có kế hoạch nên chưa có cơ sở để địa phương triển khai các bước tiếp theo.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng đề nghị các ngành, các cấp cần chủ động chuẩn bị các nội dung liên quan về tiêu chí đô thị, quy hoạch…; đồng thời xây dựng các phương án và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đảm bảo triển khai kịp thời ngay sau khi có kế hoạch của tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đặt câu hỏi: Các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện tham gia thực hiện Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo văn hóa khá lớn. Tuy nhiên, giáo viên dạy văn hóa ở các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên rất ít. Ngành Nội vụ có phương án gì trước thực tế này?

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở Nội vụ quản lý về mặt biên chế, công chức, viên chức còn cơ cấu đội ngũ giáo viên là trên cơ sở đề xuất của các trường và hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Hiện nay, số lượng học sinh ở các trường dạy nghề ngày càng tăng, do đó, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng các trường, đơn vị cần cân đối và có phương án xây dựng vị trí việc làm, đề xuất bố trí lượng viên chức, giáo viên để đáp ứng nhiệm vụ. Trước mắt, chưa có biên chế tuyển dụng thì các trường có thể thực hiện hợp đồng giáo viên.

Chiều nay, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn; thông qua các nghị quyết và tiến hành phiên bế mạc.

Theo BHT

Link nguồn: https://baohatinh.vn/chinh-tri/truc-tiep-ong-le-ngoc-huan-tra-loi-chat-van-cac-van-de-lien-quan-den-linh-vuc-tai-nguyen-moi-truong/251393.htm


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện