Quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới
Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Chỉ thị khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
(Nguồn ảnh: Tỉnh đoàn Hà Tĩnh)
Tuy nhiên, trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn…
Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW trên cơ sở tổng kết 10 năm Chỉ thị 18-CT/TW năm 2012, bổ sung chủ trương giải pháp mới phù hợp bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, tạo sự thống nhất trong toàn quốc để tổ chức thực hiện. Đây là việc làm rất kịp thời, phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.
Trong 10 năm qua (2012 - 2022), các cấp, các ngành quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa bằng nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động với rất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác bảo đảm TTATGT. Trong đó đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của toàn dân, góp phần làm chuyển biến tích cực trong đảm bảo TTATGT.
Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh mẽ với 2 nghìn km đường cao tốc, trên 25 nghìn km quốc lộ và gần 28 nghìn km đường tỉnh; mạng lưới đường sắt có tổng chiều dài gần 4,2 nghìn km với trên 2,6 nghìn km đường chính tuyến...
Công tác đảm bảo TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Ý thức chấp hành các quy định về luật an toàn giao thông của người dân chuyển biến hơn; số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm dần qua từng năm; số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải được kiềm chế. Giai đoạn 2012 - 2022, cả nước xảy ra trên 190.000 vụ, làm chết hơn 76.000 người, bị thương gần 166.000 người (giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết và giảm 44% số người bị thương so với 10 năm trước).
Bên cạnh đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 4 mục tiêu, yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, 4 mục tiêu được Chỉ thị số 23-CT/TW đề cập tới gồm: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm TTATGT; nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT; hoàn thiện thể chế, chính sách, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, hiệu quả; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển của đất nước.
Chỉ thị cũng đã nêu rõ 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT; hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm TTATGT; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT; khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Ngoài ra, cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ cùng nhau xây dựng đạo đức, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông.
BBT
Thêm ý kiến góp ý