Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Lê Minh Khái chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân.
Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan và đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu.
Cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Tính đến ngày 30/9/2023, toàn quốc có 881.229 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 26.871 doanh nghiệp (3,15%) so với cùng kỳ năm 2022; có 115.935 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3.602 doanh nghiệp (3,21%) so với cùng kỳ.
Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Trong 9 tháng năm 2023, các khoản nộp ngân sách qua thuế GTGT đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế TNDN đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch.
Đặc biệt, với chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo của Việt Nam, các mô hình kinh tế mới đã hiện diện và phát triển tại Việt Nam trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ các ngành công nghiệp mới...
Đại biểu dự buổi gặp mặt tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước những tháng đầu năm 2023 bị tác động mạnh mẽ bởi các bất ổn kinh tế, địa chính trị quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới.
Quan điểm trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới của Chính phủ là hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.
Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững...
Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp cũng tham luận một số nội dung về xây dựng và phát huy năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nhân Việt Nam trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển bền vững ngành du lịch; phát huy đội ngũ doanh nhân nữ; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ doanh nhân trẻ trong thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giải pháp phát triển mô hình kinh tế đêm; giải quyết vấn đề vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Chính phủ luôn đồng hành xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phấn khởi cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nước ta đã trưởng thành về nhiều mặt. Đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và quá trình phát triển KT-XH của đất nước; nhiều doanh nghiệp vươn tầm thế giới, mang thương hiệu Việt ra quốc tế; các doanh nghiệp, doanh nhân cũng thể hiện trách nhiệm xã hội, tinh thần lá lành đùm lá rách, ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt, đồng lòng, chung tay cùng dân tộc vượt qua đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Năm qua, điều kiện trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Tuy nhiên các doanh nghiệp đã thúc đẩy mở rộng thị trường và bước đầu vượt qua khó khăn. Đến nay, tăng trưởng cả nước quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiểm soát, nợ công được kiểm soát tốt, đời sống Nhân dân được nâng lên... trong đó có sự đóng góp lớn của đội ngũ doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ sẽ cụ thể hóa chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới để cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đúng hướng. Trong đó, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vỹ mô để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, công dân số hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo thuận lợi, tăng tính tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển các loại thị trường an toàn, minh bạch, công khai, dân chủ (thị trường vốn, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ...) để đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, có kế hoạch giải quyết dứt điểm, hiệu quả những vướng mắt tồn tại từ lâu, gây cản trở hoạt động cho doanh nghiệp. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung cầu lao động; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Tăng cường thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí và lệ phí... Có cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các nghành mới.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vườn tầm khu vực và quốc tế; tăng cường liên kết, hợp tác để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế quốc gia. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh; không ngừng đổi mới, nâng cao thương hiệu quốc gia; mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng chuỗi cung ứng.
Cùng đó, chú trọng phát triển Đảng trong doanh nghiệp. Phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đức, tâm, tầm. Đặc biệt, đề cao đạo đức doanh nhân, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Các hiệp hội, hội phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và làm tốt công tác phản biện các chính sách, là cầu nối của doanh nghiệp với Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và các tổ chức để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, đoàn kết, chuyên nghiệp. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để cùng chung tay góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Hà Tĩnh hiện có gần 12.800 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, trong đó có khoảng 8.660 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 7 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong 9 tháng năm 2023, thành lập mới gần 900 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký gần 3.700 tỷ đồng.
Khu vực doanh nghiệp đóng góp gần 79% tổng thu ngân sách và khoảng 81% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển doanh nghiệp đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng (giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ), hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể; giải quyết việc làm cho gần 88.000 lao động.
Cùng với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm cùng với các cấp, các ngành và cộng đồng; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, thiên tai bão, lụt, dịch bệnh với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Theo BHT
Link: https://baohatinh.vn/chinh-tri/dang-nha-nuoc-luon-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-doanh-nhan/255608.htm
Thêm ý kiến góp ý