Quy định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng ở Hà Tĩnh
Đối tượng áp dụng theo quyết định này là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn Hà Tĩnh; người trong độ tuổi lao động theo quy định có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Quyết định quy định cụ thể mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với 7 nghề đào tạo cho người khuyết tật và 45 nghề đào tạo của 5 nhóm nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; mức chi phí đào tạo nghề áp dụng để làm căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho từng đối tượng chính sách được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo quy định pháp luật.
Sinh viên Trường CĐ Nguyễn Du trong giờ thực hành chế biến nấu ăn
UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hằng năm, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung mức chi phí đào tạo nghề cho phù hợp quy định pháp luật (nếu có).
Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị, địa phương việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo quy định.
UBND các huyện, thành phố, thị xã lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu học nghề của lao động để lập kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề theo quy định.
Quyết định số 42/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 10/11/2023.
Quyết định số 4085/QĐ-UBND ngày 26/10/2015 của UBND tỉnh về việc quy định danh mục nghề và mức kinh phí hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn tại các lớp chuyên biệt cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định số 42/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành.
Xem chi tiết Quyết định tại đây./.
BBT
Thêm ý kiến góp ý