Khoảng 15h45 ngày 13/11, Đại úy Trần Trung Hiếu (SN 1992), cán bộ Công an xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang làm nhiệm tại khu di tích đền chợ Củi thì phát hiện đối tượng Trần Trọng Gia Bảo (SN 1997), trú tại thôn 1, xã Xuân Hồng nghi vấn mua bán trái phép chất ma túy với một người khác nên đã áp sát để bắt quả tang.
Đối tượng Trần Trọng Gia Bảo (bìa phải) có biểu hiện “ngáo đá”, loạn thần trong quá trình gây án.
Tuy nhiên, bất ngờ đối tượng Trần Trọng Gia Bảo đã dùng kéo đâm trọng thương Đại úy Trần Trung Hiếu. Mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời song do vết thương quá nặng, Đại úy Trần Trung Hiếu đã hy sinh vào ngày 17/11. Được biết, Trần Trọng Gia Bảo là đối tượng nằm trong danh sách quản lý của Công an xã về biểu hiện thường xuyên sử dụng chất ma tuý. Đối tượng lớn lên trong gia đình bố mẹ bỏ nhau, bố là người có tiền án, tiền sự nên Trần Trọng Gia Bảo bỏ học sớm, không có việc làm nên thường xuyên đến đền chợ Củi xin lộc ăn và xin tiền để tiêu xài cá nhân, mua thuốc lá gây ảo giác để sử dụng. Sau khi bị bắt giữ, đối tượng khai nhận do sử dụng tài mà, cỏ Mỹ thời gian dài, thần kinh không ổn định nên đã ra tay sát hại cán bộ Công an xã.
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 30 vụ án nghiêm trọng do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra. Trong đó, 8 vụ giết người, 1 vụ hiếp dâm, 2 vụ trộm cắp tài sản, 2 vụ hủy hoại tài sản, 6 vụ gây rối trật tự công cộng, 10 vụ cố ý gây thường tích và rất nhiều vụ việc khác gây mất ANTT trên địa bàn. Điều này xuất phát từ việc, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy ngoài xã hội đang còn số lượng lớn.
Theo đó, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tính đến thời điểm này là 526 người và số người nghiện ma túy là 238 người. Cùng với đó, số liệu Công an tỉnh Hà Tĩnh thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 27 đối tượng loạn thần “ngáo đá”; 440 người bệnh tâm thần có nguy cơ xâm phạm trật tự xã hội. Ngoài ra, theo thống kê, tại Hà Tĩnh số bệnh nhân rối loạn tâm thần đang được điều trị và quản lý tại cộng đồng là trên 2.853 người.
Trước thực tiễn tình hình, nhất là những vấn đề phức tạp liên quan đến người loạn thần, ngáo đá trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công an các địa phương trên toàn tỉnh, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa, đồng thời tham mưu chính quyền các cấp tăng cường quản lý người bệnh tâm thần, người có biểu hiện “ngáo đá” tại địa bàn. Công an các huyện, thành phố, thị xã cũng đã chủ động rà soát người bệnh tâm thần, đối tượng “ngáo đá” trên địa bàn, đưa vào diện quản lý, giám sát, lập hồ sơ theo dõi, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ xâm phạm trật tự xã hội.
Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với gia đình, người thân và cộng đồng; phổ biến kiến thức nhận biết ban đầu về dấu hiệu của bệnh tâm thần; mối nguy hại tiềm ẩn từ các đối tượng mắc bệnh tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy loạn thần “ngáo đá”; xây dựng tờ tuyên truyền với các hình ảnh và số liệu minh họa cho các hộ gia đình về biện pháp quản lý, phòng ngừa. Vận động gia đình có người mắc bệnh tâm thần để đưa họ vào cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội để điều trị, chữa bệnh, chăm sóc, quản lý chặt chẽ không để họ bỏ nhà đi lang thang hoặc gây án ngoài xã hội hoặc với chính người thân trong gia đình.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã lập hồ sơ đưa 11 đối tượng có biểu hiện tâm thần, “ngáo đá” đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, 3 đối tượng đi cơ sở giáo dục. Vận động, đưa 263 lượt người bị tâm thần có nguy cơ cao đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế và lập hồ sơ đưa 11 đối tượng đi chữa bệnh bắt buộc, 3 đối tượng đi cách ly bắt buộc tại các cơ sở y tế.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay cũng có có 220 y, bác sỹ đã được tập huấn chuyên môn về xác định tình trạng nghiện ma túy và 14 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định trình trạng nghiện ma túy. Theo đánh giá, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy đã được cấp ủy, chính quyền cấp địa phương đã có sự quan tâm, vào cuộc, chỉ đạo lực lượng Công an cấp xã và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tham gia động viên, giúp đỡ, tư vấn tâm lý, giáo dục pháp luật về ma túy.
Nhiều mô hình về phòng chống ma túy đã phát huy hiệu quả trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, từ đó góp phần kéo giảm số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn, giảm cầu ma túy, góp phần phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp cũng đã chủ động tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương áp dụng các giải pháp làm sạch địa bàn không để gia tăng người nghiện, đối tượng “ngáo đá”, tái nghiện sau cai trên địa bàn mình quản lý.
Mặc dù vậy, thực trạng hiện nay số người bị rối loạn tâm thần, biểu hiện “ngáo đá” ngày càng gia tăng. Trong khi trên địa bàn Hà Tĩnh tỷ lệ người bệnh tâm thần được điều trị tập trung tại các cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội còn thấp; nhiều người bệnh tâm thần sống cùng gia đình, cộng đồng không được phát hiện kịp thời, chữa trị dứt điểm nên diễn biến bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi có thể gây ra các vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, để lại hệ lụy đau lòng cho toàn xã hội và tiềm ẩn các nguy cơ khó lường.
Theo nhận định của các lực lượng chức năng, phòng ngừa tình trạng người tâm thần gây án là một vấn đề khó khăn bởi lẽ họ có thể hành động mất kiểm soát bất cứ lúc nào. Do vậy, tại hội nghị công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng loạn thần “ngáo đá”, người bệnh tâm thần có nguy cơ xâm phạm TTXH do Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 23/11 vừa qua, ngoài việc đưa ra những giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng loạn thần “ngáo đá”, người bệnh tâm thần có nguy cơ xâm phạm TTXH, Công an Hà Tĩnh cũng đã nêu ra một số giải pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm góp phần quản lý tốt diện đối tượng “ngáo đá” và kiềm chế số lượng các đối tượng tái nghiện sau cai trên địa bàn.
Trong đó, giải pháp thực tế nhất là lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động Thương binh và xã hội trong thực hiện các quy định tại Luật Phòng, chống ma túy. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và gia đình có người nghi ngáo đá, tâm thần cho nguy cơ xâm phạm TTXH để siết chặt quản lý, qua đó có giải pháp cách ly đối tượng bị tâm thần một cách hợp lý, không để họ tiếp xúc với các vật dụng, các loại công cụ, vũ khí nguy hiểm, hạn chế thấp nhất điều kiện, khả năng gây án để tránh những hậu quả đau lòng vô cớ có thể xảy ra.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, người có biểu hiện “ngáo đá”... trong xã hội để có chính sách quản lý thích hợp. Từ đó, kịp thời ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do người bệnh tâm thần, người có biểu hiện “ngáo đá” gây ra.
Theo CAHT
Link: https://congan.hatinh.gov.vn/bai-viet/ngan-ngua-doi-tuong-loan-than-ngao-da-gay-an_1701158251.caht
Thêm nhận xét mới