Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Kỳ họp thứ 17: Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề lĩnh vực kinh tế

  

14:17 07/12/2023

Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII bước sang ngày làm việc thứ 2 với nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm là chất vấn và trả lời chất vấn.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Dự kỳ họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh.

Mở đầu phiên làm việc sáng nay (7/12), Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.


Bước vào phiên chất vấn, phát biểu đặt vấn đề Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho biết: Đây là lần đầu HĐND tỉnh tiến hành chất vấn các thành viên UBND tỉnh về việc thực hiện các nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó tập trung những việc thực hiện còn chậm, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình thực hiện thời gian tới.

Các đại biểu HĐND tỉnh sẽ chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan đến 12 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.


Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh sắp xếp nội dung chất vấn thành 3 nhóm lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, nội chính.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi rõ ý, ngắn gọn, trọng tâm; các giám đốc sở trả lời các nội dung thẳng thắn, trách nhiệm, nêu rõ giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu báo kết quả thực hiện các nội dung chất vấn

Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay.

Theo đó, thực hiện các văn bản của Thường trực HĐND tỉnh về việc chuẩn bị trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Kỳ họp thứ 11 và Kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã có các văn bản phân công giám đốc (thủ trưởng) các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị nội dung, trả lời trực tiếp tại các kỳ họp và trả lời bằng văn bản (đối với các nội dung không chất vấn trực tiếp) gửi Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh tại các kỳ họp theo đúng yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cũng khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBND tỉnh đã tiếp nhận 92 nội dung chất vấn từ Thường trực HĐND tỉnh qua các kỳ họp. Đến thời điểm này, đã giải quyết 55/92 nội dung (chiếm tỷ lệ 60%); 37/92 nội dung đã giải quyết một phần và đã có lộ trình, giải pháp cụ thể để giải quyết trong thời gian tới (chiếm tỷ lệ 40%); không có nội dung chưa giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy đặt câu hỏi chất vấn

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy (tổ đại biểu Hương Sơn) đặt câu hỏi về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tích tụ, tập trung ruộng đất, đưa cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật để có giải pháp sản xuất hiệu quả hơn? Nguyên nhân, và giải pháp khắc phục triệt để tình trạng mua bán tràn lan thuốc bảo vệ thực vật?

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, thời gian qua, Nghị quyết số 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo đã được triển khai và kết quả bước đầu khá tốt; toàn tỉnh có khoảng 200 ha tích tụ tập trung và 200 ha liên kết tích tụ... Thời gian tới, để nội dung này tiếp tục triển khai hiệu quả, sở tiếp tục phối hợp với các địa phương, hợp tác xã trong chuyển giao khoa học kỹ thuật; các địa phương quan tâm xử lý vướng mắc về thủ tục đất đai, hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất sau khi thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất làm cơ sở thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật...

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt trả lời các câu hỏi

Về tình trạng mua bán tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, người đứng đầu ngành nông nghiệp thông tin, ngành đã thường xuyên rà soát và kiểm tra, cấp phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn theo quy định; đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng, các địa phương kiểm tra, lấy mẫu các thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy định trong lưu hành; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có sai phạm.

Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở hoạt động có phép; kiên quyết xử lý các trường hợp không đủ điều kiện, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho người dân trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Đại biểu Từ Thị Hòa

Đại biểu Từ Thị Hòa (Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê) chất vấn “Mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ?”

Trả lời câu hỏi chất vấn này, Giám đốc Nguyễn Văn Việt cho biết: Đây là nội dung được ngành và nhiều địa phương quan tâm, là xu hướng tất yếu trong sản xuất và luôn được tỉnh quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực vào đầu tư.

Hiện nay, mỗi lĩnh vực có khoảng 200 mô hình liên kết và bước đầu được tiêu thụ khá tốt, nhất là các sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, hoạt động liên kết vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, chưa thực sự bền vững, sức thu hút hạn chế. Vì vậy, thời gian tới phải tập trung mở rộng quy mô và tăng sức gắn kết.

Giám đốc Sở NN&PTNT cũng chia sẻ các giải pháp để tăng cường liên doanh, liên kết trong thời gian tới: “Tiếp tục duy trì chuỗi liên kết hiện có trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực sản xuất khác. Cùng với đó là kêu gọi các doanh nghiệp mới vào tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ; thực hiện sẽ theo hướng xây dựng mối liên kết từng khâu để tiến tới liên kết toàn diện. Ngoài ra, ngành NN&PTNT cùng các sở, ngành khác sẽ tiếp tục huy vai trò, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này”.


Đại biểu Dương Tất Thắng (Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh) chất vấn về những hạn chế trong phát triển kinh tế biển và hoạt động của các trung tâm khuyến nông còn chồng chéo, chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng: Tỉnh ta có lợi thế về kinh tế biển và có đóng góp rất lớn đối với đời sống của ngư dân cũng như công cuộc phát triển KT – XH trên địa bàn. Tuy nhiên, sản xuất ngư nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: đội tàu công suất nhỏ, đánh gần bờ, sản lượng ít, hoạt động nuôi trồng chịu nhiều áp lực... Vì vậy, ngành NN&PTNT đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để nâng cấp hạ tầng đánh bắt, hạ tầng nuôi trồng, xây dựng các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, đưa các đối tượng nuôi mới vào sản xuất...

Những vấn đề liên quan đến các trung tâm khuyến nông, “tư lệnh” ngành NN&PTNT thừa nhận các bất cập, hạn chế như: ngân sách bố trí hạn hẹp (2,5 tỷ/năm), biên chế “mỏng”, chỉ đủ năng lực khuyến nông thông thường. Tuy nhiên, đây cũng là thực trạng chung của hệ thống trung tâm khuyến nông trong cả nước. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, ngành sẽ chú trọng hơn đến việc nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và hiệu quả của các trung tâm; mời gọi chuyên gia, nhà khoa học vào tập huấn, hỗ trợ, cùng vào cuộc để làm khuyến nông công nghệ cao”.

Liên quan tới môi trường, đại biểu Phan Tấn Linh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Nghi Xuân) đề nghị “tư lệnh” ngành TNMT cho biết: Trong khi chờ các nhà máy xử lý rác xây dựng và đi vào hoạt động vào giai đoạn 2026 – 2030, sở tham mưu cho UBND tỉnh phương án như thế nào để giải quyết xử lý rác thải cho các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, nếu không cho các bãi rác hiện tại ở các địa phương này mở rộng và nâng công suất đốt, trong khi việc vận chuyển rác từ huyện vào nhà máy xử lý rác ở Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) chi phí cao?

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn trả lời các câu hỏi của đại biểu

Trả lời chất vấn của đại biểu Phan Tấn Linh, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho hay: Dù tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy điện rác nhưng Giám đốc Sở TN&MT cũng thừa nhận, quá trình này gặp khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư dự án lớn. Dự báo tình hình này, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết số 97/2022 ngày 16/12/2022 về “Một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023 – 2025”; trong đó có chính sách hỗ trợ phân loại rác tại nguồn. Với 80% nguồn rác thải từ nông thôn và tới 70% là rác thải hữu cơ, nếu việc phân loại rác tại nguồn được xử lý tốt, rác thải hữu cơ được phân loại, xử lý thành phân bón, sẽ tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho hộ gia đình, địa phương. Thông qua kỳ họp, Giám đốc Sở TN&MT đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và người dân chủ động trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Trường hợp làm tốt việc này, trong thời gian chờ xây dựng nhà máy điện rác, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở các địa phương sẽ chủ động hơn.

Liên quan đến các dự án, đại biểu Nguyễn Việt Hùng – Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà chất vấn: Dự án cấp nước sạch ở Thạch Châu, Thạch Mỹ, Mai Phụ (Lộc Hà) triển khai nhiều năm nhưng đấu nối chậm, đường ống bố trí chưa hợp lý. Đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân và giải pháp?

Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Việt Hà

Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Việt Hà trả lời: Đây là dự án thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình thi công năm 2020, vừa hoàn thành xong vào tháng 3/2023. Hiện nay, công trình đã bàn giao cho Công ty Cổ phần cấp nước Hà Tĩnh nên việc đấu nối do đơn vị này phối hợp với địa phương thực hiện.

Cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT, hiện còn 690 hộ đang lắp ráp, phấn đấu xong trước tết Nguyên đán. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đấu nối này là vì phát sinh nhiều hộ khách hàng (so với thời điểm đăng ký ban đầu), dự án phải bổ sung nhiều hạng mục mới. Để khắc phục, thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đấu nối, phát huy tốt nguồn vốn lồng ghép, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả.

Chất vấn Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi: Hiện nay, có một số chính sách do HĐND tỉnh ban hành chưa phát huy hiệu quả, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

Trả lời nội dung đại biểu Phạm Nghĩa chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho biết: Tính đến tháng 11 năm 2023, toàn tỉnh có 38 đề án, chính sách được triển khai thực hiện. Về kinh phí thực hiện năm 2023, đến hết 11 tháng, toàn tỉnh đã phân bổ 870/1.587 tỷ đồng, đạt 54,8% so với dự toán giao. Số kinh phí đã giải ngân theo báo cáo của các đơn vị, địa phương đạt khoảng 697/1.587 tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán giao. Dự kiến kinh phí phân bổ và giải ngân trong năm 2023 đạt 1.196/1.587 tỷ đồng, bằng 75% dự toán giao.

Một số chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, có tỷ lệ phân bổ, giải ngân khá, như hỗ trợ phát triển đô thị; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông...

Bên cạnh đó, một số đề án, chính sách có tỷ lệ giải ngân kinh phí đến 30/11 còn thấp, như chính sách về nông nghiệp nông thôn; chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng; chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi hành khách đi lại bằng xe buýt; chính sách hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2022 - 2023; chính sách, đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...


Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc đã lý giải nguyên nhân dẫn tới việc một số đề án, chính sách có tỷ lệ giải ngân thấp và các giải pháp cần phải tập trung đôn đốc, chỉ đạo thực hiện để đảm bảo kết thúc năm 2023 tăng tỷ lệ giải ngân.

Đại biểu Trần Thị Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Văn (Tổ đại biểu HĐND bầu tại huyện Thạch Hà) đề nghị “tư lệnh” ngành cho biết nguyên nhân việc cấp nguồn và xi măng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn trong năm 2023 chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương?

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho hay: Từ tháng 3/2023, xi măng đã được cung ứng cho các địa phương để thực hiện xây dựng NTM, sớm hơn năm 2022 đến 67 ngày và giảm được 121 ngày so với thời gian tối đa quy định của Luật Đấu thầu.

Khép lại chương trình chất vấn và trả lời chất vấn sáng 7/12, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng thông tin, trong sáng nay, 19 đại biểu đã tiến hành chất vấn với 23 lượt câu hỏi trên các lĩnh vực kinh tế.

Đánh giá chung, phần trả lời chất vất của các “tư lệnh” ngành đã cơ bản đầy đủ các nội dung. Trong buổi chiều, kỳ họp tiến hành chất vấn đại biểu với các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, nội vụ, lao động - thương binh và xã hội... Đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi gọn hơn, lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn rõ ý.

Theo BHT

Link: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/ky-hop-thu-17-dai-bieu-chat-van-nhieu-van-de-linh-vuc-kinh-te/258392.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện