Giá đất được thực hiện qua quá trình đấu giá sẽ được cập nhật minh bạch hơn
Làm rõ cơ sở dữ liệu về đất đai
Sau 4 kỳ họp cho ý kiến và thảo luận, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,63% tổng số đại biểu).
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là phương pháp tính giá đất, định giá đất. Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) - nhấn mạnh, các phương pháp tính giá đất đã cơ bản giải quyết được những bất cập trong thực tiễn cuộc sống và trong tương lai.
Theo đại biểu, trong quá trình quản lý, chúng ta sẽ thu thập được những dữ liệu về giá đất để làm rõ cơ sở dữ liệu về đất đai. Quá trình định giá đất sẽ ngày càng đơn giản hơn và giá đất được thực hiện qua quá trình đấu giá cũng sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu một cách công khai, minh bạch hơn.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm. Ảnh: Phạm Đông
Còn đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh, một trong những yêu cầu đặt ra để luật phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết ban hành.
Đại biểu cho rằng, phải hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung; …
"Tôi kỳ vọng, Luật Đất đai sẽ được triển khai và thực hiện phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của cử tri. Luật Đất đai sẽ kéo dài tuổi thọ, phù hợp trong tình hình phát triển của đất nước", đại biểu nêu ý kiến.
Phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”
Cùng trao đổi với Lao Động, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận định, trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến việc bảo vệ cho người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho người dân có được lợi ích thỏa đáng. Như vậy, đại biểu kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được tốt hơn những khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông
Vấn đề thứ hai liên quan đến nguồn gốc đất đai không rõ ràng, rất dễ diễn ra tranh chấp. Để giải quyết bất cập này, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất rõ về việc xác định cấp giấy chứng nhận cho những người dân có nguồn gốc về đất đai, thậm chí người ta đã sử dụng đất từ lâu đời rồi nhưng không có giấy tờ hoặc là có thể sử dụng nó một giai đoạn nào đó chưa phù hợp thì trong Luật đã đưa ra phương án xử lý, giải quyết.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, trong Luật Đất đai đã nhấn mạnh: “Nhà nước có trách nhiệm phải cấp giấy chứng nhận cho những người có điều kiện”. Điều đó thể hiện rất rõ sự cương quyết trong việc thực thi luật, trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền lợi cho người dân.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Theo BLĐ
Link gốc:https://laodong.vn/thoi-su/gia-dat-duoc-thuc-hien-qua-qua-trinh-dau-gia-se-duoc-cap-nhat-minh-bach-hon-1300580.ldo?
Thêm ý kiến góp ý