Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Cách EU có thể gây áp lực cho Nga nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine

  

08:19 22/02/2024

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt nhằm vào Moscow, nhưng nền kinh tế Nga vẫn đứng vững. Khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 3, EU có một số biện pháp gây áp lực lên Nga có thể khiến nước này dừng xung đột với Ukraine.

EU đang xem xét một gói trừng phạt mới đối với Nga, nhưng có thể nó sẽ không có tác động lớn đến Điện Kremlin ở mức độ thực sự gây tổn hại.

Thay vì ngăn chặn hoạt động bán dầu và khí đốt trị giá hàng tỷ USD của Nga hoặc đảm bảo các công nghệ bị cấm sẽ không được sử dụng trong lực lượng vũ trang của mình, EU đang dần từ bỏ điều này để nhắm mục tiêu vào một số ít công ty vi phạm các quy tắc.

Với sự thiếu đồng thuận giữa các nước và sự phản đối từ Hungary, EU dường như có rất ít lựa chọn để cản đà tấn công của Nga trên chiến trường ở Ukraine. Politico đã dẫn những điều do các nhà hoạch định chính sách đưa ra mà EU có thể làm để gây áp lực lên Tổng thống Putin khiến Nga phải dừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ngay sau khi xung đột bùng phát, EU đã nhanh chóng cắt giảm khí đốt Nga. Ảnh: AFP

Áp trần giá dầu Nga

Trước khi xung đột bùng phát, doanh số bán dầu chiếm gần một nửa doanh thu của Nga. Bất chấp làn sóng trừng phạt của phương Tây, Nga sắp bước sang năm thứ 3 xung đột với Ukraine bằng nguồn thu nhiều chưa từng có nhờ bán dầu.

Vào tháng 12/2022, nhóm G7 cùng EU và Australia đã áp đặt mức giá trần chưa từng có là 60 USD/thùng đối với dầu của Nga, một động thái họ cho rằng sẽ buộc Moscow duy trì nguồn cung để ổn định trên thị trường toàn cầu, đồng thời cắt giảm lợi nhuận từ việc bán dầu.

Tuy nhiên, dù kế hoạch ban đầu có hiệu quả nhưng sau đó hiệu quả đã giảm dần. Hiện tại, hầu như không có loại dầu nào của Nga được bán dưới mức giá trần.

Ưu tiên hàng đầu của Ukraine không phải là kêu gọi các đồng minh phương Tây chống lại các tàu chở dầu mà Nga đang sử dụng để bán dầu, mà là kêu gọi các đối tác toàn cầu khắc phục lỗ hổng cho phép các nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc mua dầu thô của Nga với bất kỳ giá nào và tinh chế thành xăng, dầu diesel và các nhiên liệu khác để bán ở nơi khác.

Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận giữa các đồng minh phương Tây, cùng với lo ngại về giá năng lượng tăng, đang cản trở mọi biện pháp nhằm áp trần giá dầu Nga của EU.

Giảm hoạt động buôn bán kim loại của Nga

Một số nước EU đang thúc đẩy lệnh cấm nhập khẩu nhôm của Nga, vì khoảng 80% hoạt động buôn bán kim loại sinh lời của Nga hiện không bị áp lệnh trừng phạt.

Mặc dù động thái này nhận được sự ủng hộ từ Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã không đưa nội dung này vào đề xuất trừng phạt mới nhất. Tuy nhiên, các quan chức EU đã chỉ ra rằng biện pháp này có thể được xem xét trong gói trừng phạt Nga trong tương lai.

Theo một quan chức EC, đối với mỗi gói trừng phạt Nga, “chúng tôi cần đảm bảo sự nhất trí trong khối, vì vậy cần phải có sự ủng hộ rộng rãi”. “Nói cách khác, chúng ta đừng đề xuất những ý tưởng mà có thể bị một quốc gia trong khối bác bỏ. Lệnh cấm nhập khẩu nhôm của Nga có thể là một trong số đó”.

Các quan chức EU có thể đưa ra lệnh cấm một phần hoặc một lệnh cấm được thực hiện theo từng giai đoạn. Đó là trường hợp các lệnh cấm hiện hành của EU đối với các sản phẩm thép bán thành phẩm của Nga. Bất chấp lệnh cấm tổng thể đối với thép, các tấm thép của Nga để gia công lại vẫn được phép vào EU cho đến năm 2028.

“Cai” khí đốt Nga

Ngay sau khi xung đột bùng phát, EU đã nhanh chóng cắt giảm khí đốt Nga, nhưng thực tế, Moscow mới là bên đưa ra quyết định cắt giảm đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu, một nỗ lực nhằm cắt nguồn năng lượng quan trọng của các đồng minh Ukraine.

Nga vẫn chiếm khoảng 15% lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2023, ngay cả khi châu Âu tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ những nơi như Mỹ, Na Uy, Libya và Algeria. Trên thực tế, các quốc gia như Bỉ và Tây Ban Nha thậm chí còn tăng cường mua khí đốt từ Nga vào năm 2023.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, khoản thanh toán khí đốt của EU cho Nga trong hai năm qua đã lên tới 80 tỷ euro.

Tuy nhiên, việc cắt giảm khí đốt của Nga không phải là một quá trình đơn giản. Nhiều quốc gia bị ràng buộc vào những hợp đồng dài hạn khó có thể phá vỡ. Ngoài ra, Hungary, cho đến nay là quốc gia ít ủng hộ các lệnh trừng phạt năng lượng nhất đối với Nga, lại có mối quan hệ chặt chẽ với Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.

Cấm vận năng lượng hạt nhân Nga

Việc Nga kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã làm dấy lên cảnh báo về một thảm họa có thể ảnh hưởng đến toàn châu Âu. Tuy nhiên, Nga vẫn là một nước đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng nguyên tử của EU.

Thứ trưởng Năng lượng Ukraine Farid Safarov nói rằng đã đến lúc các nước châu Âu ngừng giao dịch với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom của Nga, hiện đang cung cấp nhiên liệu và dịch vụ cho một số nước EU. Mặc dù lĩnh vực này không phải là một trong những ngành mang lại thu nhập lớn nhất cho Nga nhưng nó mang lại đòn bẩy quyền lực mềm khổng lồ.

Tuy nhiên, rào cản cho những quá trình cấm vận năng lượng hạt nhân Nga này lại là Hungary. Budapest hiện đang mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks với sự hỗ trợ của Rosatom và Thủ tướng Viktor Orban đã tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực này.

Liệu gói trừng phạt của EU sẽ có hiệu quả?

Trong khi Nga không có dấu hiệu cạn kiệt nguồn tài chính cần thiết để mua vũ khí và duy trì hoạt động quân sự trong thời gian ngắn, các chuyên gia cho rằng Moscow khó có thể triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt mãi mãi. Điều đó có nghĩa là cuộc xung đột đang ngày càng trở thành một cuộc chiến tiêu hao giữa khả năng tiếp tục chiến đấu của Nga và khả năng duy trì sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine.

“Các lệnh trừng phạt và cuộc xung đột đã trở thành phép thử cho khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga và Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế Ukraine có thể duy trì được để chứng kiến những tác động lâu dài diễn ra hay không”, Maria Shagina, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho hay.

Với những bất đồng chính trị và lo ngại kinh tế ngăn cản một số biện pháp có tác động lớn nhất đến khả năng tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, gói trừng phạt mới nhất có thể sẽ không có tác động nhiều ngoài mang tính biểu tượng đánh dấu xung đột tròn hai năm.

Tuy nhiên, EU đã cam kết sẽ bắt đầu thực hiện ngay gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga. Một số nhà quan sát hy vọng, gói trừng phạt tiếp theo của EU sẽ cứng rắn hơn và các nhà lãnh đạo EU có thể buộc Hungary phải từ bỏ việc phản đối các bước quan trọng để hỗ trợ Ukraine.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cach-eu-co-the-gay-ap-luc-cho-nga-nham-cham-dut-xung-dot-o-ukraine-post1078091.vov


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện