Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Sớm có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trạm sạc điện

  

07:37 08/08/2024

Để khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, cần ưu tiên phát triển trạm sạc cho xe điện.

Ưu đãi về đất đai, thuế phí

Tại cuộc họp với các bộ, ngành sáng 6.8 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người dân chuyển sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương bổ sung quy hoạch về trạm, trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông; Bộ Công thương sớm trình Chính phủ cơ chế tính giá điện cho các trạm/trụ sạc điện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện…

Cần sớm có chính sách ưu đãi cho đơn vị đầu tư trạm sạc xe điện

"Liên quan tới hoạt động của trạm sạc điện cần phải có nguồn điện cung cấp công suất lớn, liệu các đơn vị cung cấp điện có ưu tiên nguồn phát điện không? Giá điện cho các trạm sạc cũng phải mềm hơn để khuyến khích người dùng. Rất cần sớm có chính sách ưu đãi để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm sạc cho xe điện mới có thể thúc đẩy được xu hướng chuyển đổi giao thông xanh". - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.

Theo các chuyên gia, để phát triển xe điện thì sau sản xuất, trạm sạc là quan trọng nhất. Hiện nhiều người dùng vẫn chưa sẵn sàng mua ô tô điện do lo ngại thiếu trạm sạc trên các tuyến đường lưu thông, di chuyển ở các tỉnh thành hay tại các khu chung cư. Đặc biệt trên các tuyến đường cao tốc hầu như số lượng trạm sạc điện rất hiếm. Thực tế thời gian qua, hãng xe VinFast cũng quyết liệt đầu tư, phủ sóng hệ thống trạm sạc công cộng tại các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển hệ thống giao thông xanh nhanh hơn nữa thì cần có chính sách thúc đẩy xây dựng hạ tầng này mạnh hơn.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ ủng hộ hoàn toàn việc Chính phủ nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi để phát triển hệ thống trạm sạc dành cho xe điện nói chung. Việc phát triển phương tiện giao thông điện, sử dụng nhiên liệu xanh là xu hướng chung của thế giới. VN đã tham gia nhưng cần thúc đẩy xu hướng này nhanh hơn, góp phần thực hiện cam kết giảm thiểu khí thải với thế giới. Thời gian qua, hãng xe VinFast đã có nhiều nỗ lực vừa sản xuất xe điện, vừa đầu tư trạm sạc trên khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nếu chỉ có riêng mình đơn vị này thực hiện thì cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sử dụng xe điện hay có thể khuyến khích nhiều người chuyển sang mua ô tô điện. Hay nói cách khác, số lượng ô tô điện chưa bán được nhiều, chưa lưu thông nhiều trên thị trường, chủ yếu là vì hạn chế trạm sạc.

Trong khi đó, việc đầu tư vào các trạm sạc mất nhiều chi phí vì liên quan đến thuê, mua đất với diện tích khá lớn; đầu tư thiết bị kỹ thuật cũng như nguồn điện cung cấp đủ lớn để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng sạc điện. Hơn thế nữa, theo quy định, từ ngày 1.8, nhà chung cư được xếp hạng cao nhất phải đáp ứng điều kiện là có trụ sạc cho xe điện, hay từ đầu tháng 10 tới những trạm dừng nghỉ xây mới trên các tuyến cao tốc, quốc lộ hoặc đường tỉnh cũng phải có trạm sạc cho xe điện. Vì vậy rất cần có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng trạm sạc điện.

"Chẳng hạn nếu chủ đầu tư xây dựng chung cư thì phải dành đất để đặt trạm sạc điện và chi phí này cũng sẽ được tính vào giá thành chung cư. Nếu nhà nước có những ưu đãi thì họ sẽ không ngần ngại mà thực hiện ngay. Hay liên quan tới hoạt động của trạm sạc điện cần phải có nguồn điện cung cấp công suất lớn, liệu các đơn vị cung cấp điện có ưu tiên nguồn phát điện không? Giá điện cho các trạm sạc cũng phải mềm hơn để khuyến khích người dùng. Rất cần sớm có chính sách ưu đãi để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm sạc cho xe điện mới có thể thúc đẩy được xu hướng chuyển đổi giao thông xanh", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Chính sách ưu đãi cụ thể, chi tiết

PGS-TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng hiện nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong làm trạm sạc như VinFast. Trong khi đó, VinFast là nhà sản xuất xe điện đầu tiên của VN có đầu tư hệ thống trạm sạc phủ khắp cả nước với chiến lược khá chỉn chu, bài bản. VinFast cũng đang áp dụng tiêu chuẩn trạm sạc quốc tế theo chuẩn châu Âu. Song nếu họ đầu tư chỉ để phục vụ xe của mình sản xuất thì sẽ vô cùng lãng phí, không chỉ lãng phí tài chính của doanh nghiệp mà là tài nguyên của cả nền kinh tế. Chi phí lắp đặt, đầu tư làm trạm sạc rất lớn và nếu có ưu đãi, khuyến khích từ nhà nước thì sẽ thu hút thêm được nhiều đơn vị tham gia.

Theo ông Đàm Hoàng Phúc, chính sách ưu đãi cần cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn về tài chính cần có ưu đãi về mặt bằng, giá thuê đất, giảm thuế phí cho nhà đầu tư. Hay bổ sung thêm những quy định bắt buộc như bãi đậu xe công cộng cần phải có trạm sạc với tỷ lệ bao nhiêu ô tô vào sạc cùng lúc? Tương tự, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc cũng cần quy định chi tiết về tỷ lệ trạm sạc. Đối với người sử dụng, phải có ưu đãi về giá điện nhằm khuyến khích người dân tiên phong trong việc sử dụng phương tiện giao thông điện, sử dụng nhiên liệu sạch. Song song đó là các chính sách về thủ tục, pháp lý cần rõ ràng, minh bạch để các công ty tham gia đầu tư dễ dàng thực hiện. PGS-TS Đàm Hoàng Phúc nhấn mạnh: "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm sạc điện phải được cụ thể cũng như các quy định bắt buộc phải chi tiết để thúc đẩy phát triển thị trường. Chẳng hạn, như nói ở trên, quy định bắt buộc tỷ lệ các trạm sạc ở những bãi đỗ xe công cộng, trong các chung cư hạng nhất ở mức nào? Càng rõ ràng thì sẽ càng có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường".

Đồng tình, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết hầu hết các quốc gia hiện đang có các chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển thị trường ô tô điện. Ngoài chính sách giảm thuế, nhiều nước đã chuyển từ chính sách hỗ trợ người dân mua xe điện sang xây dựng hạ tầng, trạm, trụ sạc điện. VN cũng cần có chính sách phát triển trạm sạc để đảm bảo sự cạnh tranh nhưng phải tối ưu hóa chi phí và lợi ích. Cũng giống như trạm xăng, có thể tính toán đến việc đặt ra tiêu chuẩn cho trạm sạc; khuyến khích xây dựng trạm sạc đi kèm công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo hay thậm chí quy hoạch mạng lưới đặt trạm sạc như cách bao nhiêu ki lô mét thì nên đặt một trạm… Càng nhiều doanh nghiệp tham gia, phát triển về hạ tầng thì thị trường xe điện nói riêng và giao thông xanh sẽ phát triển nhanh hơn.

Tại cuộc họp ngày 6.8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương sớm trình cơ chế tính giá điện cho các trạm sạc. Phó thủ tướng lưu ý cơ chế giá này cần dựa trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện. Năm ngoái, khi xây dựng dự thảo sửa biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương từng đề xuất điện cho trạm sạc áp theo giá bán kinh doanh hoặc sản xuất và khung giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm), song tới nay chính sách này chưa được chốt.

Theo TN

Link: https://thanhnien.vn/som-co-chinh-sach-uu-dai-cho-nha-dau-tu-tram-sac-dien-185240807225551834.htm


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện

EMC Đã kết nối EMC