DTLCP đã xuất hiện tại 4 địa phương ở Hà Tĩnh.
Tại huyện Cẩm Xuyên, DTLCP đã xuất hiện ở 7 xã (Cẩm Dương, Cẩm Thạch, Yên Hòa, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Mỹ) làm 263 con lợn nhiễm bệnh chết, buộc phải tiêu hủy. Các địa phương đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống để kiểm soát các ổ dịch trong quy mô hẹp nhằm đảm bảo hoạt động tái đàn, chăn nuôi ổn định cho bà con nông dân trong thời điểm này.
Theo đó, những xã trong vùng dịch đang được theo dõi sát sao, cập nhật tình hình, lập rào chắn cảnh báo khu vực có dịch và tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Hoạt động mua bán, vận chuyển lợn tại địa bàn có dịch cũng được tăng cường kiểm soát. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên tái đàn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Trước diễn biến dịch có nhiều bất lợi, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch DTLCP. Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh) cho biết: “Thời điểm này là giai đoạn giao mùa, không khí ẩm ướt, thuận lợi cho vi-rút phát triển, dễ làm bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện DTLCP nên chúng tôi chủ động thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Xe vận chuyển thức ăn, hóa chất… ra vào trang trại được kiểm soát nghiêm ngặt, tăng tuần suất khử trùng, tiêu độc cho toàn trang trại”.
Theo ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Huyện đã ban hành văn bản về việc tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn; thường xuyên cập nhật thông tin vào nhóm Zalo chỉ đạo chung. Yêu cầu các xã đang có dịch giám sát chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại vùng có dịch; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán động vật trên địa bàn và hoạt động kinh doanh giết mổ, xử lý nghiêm các hộ giết mổ tại nhà để sử dụng và buôn bán. Chỉ cho tái đàn khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch; khi nhập đàn cần chọn lợn có nguồn gốc rõ ràng, lợn khỏe mạnh. Tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình chăn nuôi trên địa bàn để phát hiện lợn bị bệnh, bị chết và xử lý kịp thời ổ dịch; hướng dẫn các hộ kê khai chăn nuôi theo quy định của pháp luật; tổ chức đợt phun tiêu độc khử trùng diện rộng”.
Tại huyện Hương Khê, DTLCP cũng đã xuất hiện tại xã Hòa Hải từ ngày 16/2 tại hộ ông Nguyễn Đăng Bính (thôn 7), sau đó lây lan ra sang 2 hộ khác ở cùng thôn. Ông Nguyễn Đăng Phú - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải (Hương Khê) cho biết: “Thời tiết chuyển mùa khiến sức đề kháng vật nuôi giảm, dễ lây bệnh. Sau khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành lập chốt cảnh báo vùng có dịch; thực hiện phun tiêu độc khử trùng các vùng lân cận nhằm khống chế, không để dịch lan ra diện rộng; yêu cầu các hộ dân thường xuyên theo dõi thông tin về dịch bệnh, báo cáo ngay khi có lợn ốm, chết”.
Ngành chuyên môn giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Thời điểm này, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh có ổ DTLCP là TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại.
TP Hà Tĩnh tiêu hủy lợn bị nhiễm DTLCP.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, DTLCP đang xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô hẹp nhưng trong điều kiện thời tiết chuyển mùa có thể làm mầm bệnh phát triển nhanh chóng; vi-rút DTLCP tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong các sản phẩm thịt lợn, ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển; quá trình vận chuyển, kinh doanh, giết mổ trên địa bàn tỉnh khó kiểm soát… Cùng đó, tổng đàn lợn của Hà Tĩnh hiện tương đối lớn (hơn 400.000 con), mật độ chăn nuôi dày. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở quy mô nông hộ là rất cao bởi người dân chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Hà Tĩnh đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.
Trong công điện chỉ đạo việc triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống DTLCP và các dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành chức năng khẩn cấp tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2025 theo quy định của Luật Thú y, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016, các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và các văn bản liên quan của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật.
Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh và tham mưu vật tư, dụng cụ, hóa chất, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, kiểm tra công tác tổ chức, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.
Theo BHT
Link: https://baohatinh.vn/tranh-de-dich-ta-lon-chau-phi-lan-rong-o-ha-tinh-post283063.html
Thêm ý kiến góp ý