Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Những người chật vật nhận con nuôi ở Trung Quốc

  

08:31 21/02/2025

Trung Quốc có quy định về nhận con nuôi nghiêm ngặt để chống nạn buôn bán trẻ em, nhưng điều này cũng khiến nhiều người đối mặt khó khăn pháp lý khi muốn cưu mang các em bé.

He Hua, người phụ nữ ở Tứ Xuyên, mắc bệnh lý không thể sinh con, nhưng luôn muốn có con. Năm 2021, chị gái cho He biết có một phụ nữ chưa kết hôn đang mang bầu và không thể chăm sóc đứa bé, đã đồng ý cho He nhận nuôi.

He đi cùng người phụ nữ này đến bệnh viện ở Thành Đô, nơi đứa bé chào đời. Người phụ nữ cho biết sẽ rời khỏi thành phố sau khi sinh và khẳng định sau này sẽ không liên lạc với con.

Nhưng He nhanh chóng thất vọng khi không thể chính thức hóa việc nhận nuôi đứa bé thông qua Cục Dân chính và cảnh sát địa phương, do không đáp ứng các tiêu chí để được phép nhận con nuôi.

Giới chức địa phương cho biết người mẹ ruột cần có mặt suốt quá trình này, và người này phải là người tàn tật, hoặc mắc bệnh nghiêm trọng, mới có thể từ bỏ đứa bé một cách hợp pháp.

Một ông bố ở dẫn các con đi hội chợ ở Sơn Đông, ngày 12/2. Ảnh: AFP

Truyền thông Trung Quốc ghi nhận nhiều người gặp vấn đề tương tự khi cố gắng nhận con nuôi thông qua các kênh riêng tư, không chính thức.

Thực tế, quy trình nhận con nuôi thông qua các tổ chức phúc lợi trẻ em do chính phủ điều hành tương đối đơn giản, song hầu hết trẻ em tại các tổ chức này bị khuyết tật và nhiều gia đình không có khả năng hoặc không sẵn lòng chăm sóc các em.

Hầu hết các gia đình nhận con nuôi qua các kênh không chính thức đều không thể cung cấp các giấy tờ cần thiết, như giấy khai sinh hoặc văn bản tuyên bố từ cha mẹ ruột, để đảm bảo đứa trẻ có hộ khẩu.

Trung Quốc có luật nhận con nuôi nghiêm ngặt do lo ngại về vấn đề bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nguy cơ buôn bán trẻ em.

Các tội danh về buôn bán trẻ em bị áp khung phạt nghiêm khắc. Năm 2024, Yu Huaying bị kết án tử hình vì bán 17 trẻ bị bắt cóc vào những năm 1990. Năm 2023, ba quan chức tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, bị phạt tù vì tham gia thu thập, bán giấy khai sinh trái phép để lấy hộ khẩu cho trẻ em là con nuôi.

Các em nhỏ bên trong trại trẻ mồ côi ở Thượng Hải năm 2005. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra những rào cản này khiến số trẻ trong các cơ sở chăm sóc cao hơn đáng kể số người được duyệt nhận nuôi.

Theo số liệu mới nhất của Cục Dân chính năm 2023, Trung Quốc có 144.000 trẻ mồ côi chờ được nhận nuôi, nhưng chỉ có 8.000 gia đình đăng ký nhận con nuôi thành công. Không có số liệu về những nhóm trẻ khác đang chờ được nhận nuôi.

Một số địa phương từng thừa nhận có rất nhiều trẻ không được bố mẹ ruột chăm sóc đúng mực. Để giải quyết, vài nơi lập các trạm tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi. Tại đây, bố mẹ có thể âm thầm để con lại cho trạm chăm sóc. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã bị bỏ dở, do các cơ sở địa phương không đủ nguồn lực.

Theo China Youth Daily, việc những kênh nhận con nuôi hợp pháp bị hạn chế đã dẫn đến "có nhiều trường hợp nhận con nuôi không chính thức và không hợp pháp trên toàn quốc".

Vấp phải khó khăn, cô He ở Tứ Xuyên tìm đến một nhóm phụ nữ đang cố giải quyết các vấn đề tương tự trên WeChat.

Người lập nhóm là Wei Ximei, tư vấn viên gia đình ở Trịnh Châu, Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Wei gần đây giải quyết thành công vấn đề pháp lý cho Niuniu, con gái nuôi của cô. Mẹ ruột Niuniu đã thuê Wei làm bảo mẫu, sau đó quỵt tiền và biến mất.

Wei quyết định nuôi Niuniu cùng hai con ruột. Ba năm sau, Wei liên hệ với truyền thông địa phương nhờ giúp đỡ, khi chuẩn bị đăng ký cho Niuniu vào trường mẫu giáo và không thể xin được hộ khẩu cho cô bé.

Câu chuyện của mẹ con Wei lan truyền. Cảnh sát đã giúp tìm mẹ ruột, trong khi một trường mẫu giáo địa phương đề nghị hỗ trợ xin hộ khẩu cho Niuniu. Quá trình này đã mất một năm, dù ở một số thành phố chỉ mất vài ngày.

Sau khi câu chuyện được công khai, hàng chục phụ nữ đã liên hệ với Wei, chia sẻ khó khăn trong việc xin hộ khẩu cho con nuôi.

Các em nhỏ bên trong trại trẻ mồ côi ở Thượng Hải năm 2005. Ảnh: Reuters

Luật về nhận nuôi đã thay đổi theo thời gian cùng với các chính sách dân số của Trung Quốc. Nước này từng áp dụng chính sách một con trước khi bãi bỏ năm 2015. Trung Quốc sau đó nâng giới hạn lên sinh hai con, rồi ba con vào năm 2021.

Trước đây, luật quy định trẻ dưới 14 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu không có người giám hộ hợp pháp hoặc cha mẹ có "khó khăn đặc biệt" trong việc chăm sóc trẻ. Người nhận con nuôi phải trên 30 tuổi, không có con và được đánh giá là "đủ khả năng nuôi con".

Một lệnh mới được ban hành vào năm 2023, hai năm sau khi giới hạn ba con có hiệu lực, nêu rõ cha mẹ ruột cần đưa ra tuyên bố rằng họ không thể nuôi con và giải thích các vấn đề của họ. Người nhận nuôi cũng cần xin giấy xác nhận từ chính quyền địa phương nêu rõ họ đã có bao nhiêu con và xác nhận khả năng nuôi con của họ.

Bộ luật Dân sự được ban hành vào năm 2020 có quy định rằng cha mẹ nuôi phải "không có con hoặc chỉ có một con", không có tiền án hoặc "bệnh tật khiến họ không thể nuôi con".

Lu Yu, luật sư của Công ty Luật Qianqian Bắc Kinh, chuyên về bảo vệ quyền phụ nữ, lập luận rằng những yêu cầu này phù hợp với chính sách hai con hơn là ba con. Lu cũng cho rằng ngôn ngữ của luật quá chung chung và mơ hồ. Do đó, các chính quyền địa phương thường ban hành quy định riêng để hoàn thiện các chi tiết.

"Luật nói rằng những người có 'khó khăn đặc biệt' có thể cho con mình làm con nuôi, nhưng chính xác điều đó là gì? Đi tù có được tính là khó khăn không? Không có người thân nào khác có là khó khăn không?", Lu nói.

Các luật sư, giới vận động kêu gọi giới chức Trung Quốc cập nhật quy định nhận con nuôi để phù hợp với tình hình hiện tại.

Số khác cho rằng cần giữ nguyên các quy định nghiêm ngặt. Wang Zhenyao, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Nhân đạo tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhấn mạnh ưu tiên cao nhất là tránh để trẻ nhỏ bị tổn hại.

"Quy định nhận con nuôi trên thế giới rất nghiêm ngặt. Quy trình này cần lấy trẻ em làm trọng tâm, phải đảm bảo quyền lợi của các em được bảo vệ. Con người có phẩm giá, không thể bị xem như hàng hóa", ông Wang nói.

Nhưng Wei cho rằng còn những khía cạnh khác cần được cân nhắc. Cô kể về một người bạn phải ra ngoài làm việc, để con gái ở nhà một mình do không tìm được ai trông trẻ. Bé gái đã qua đời trong một tai nạn ở nhà.

Trước đó, người mẹ đã gửi gắm bé gái cho gia đình khác nuôi, nhưng họ đã từ chối sau khi không thể xin được hộ khẩu cho bé. Wei cho biết trường hợp này khiến cô đặc biệt buồn và cô đã đến thăm nơi yên nghỉ của bé gái.

"Tôi thường tự hỏi, nếu vấn đề hộ khẩu của đứa trẻ được giải quyết, liệu có phải cô bé vẫn còn sống không?", Wei nói.

Theo VNE

Link: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-chat-vat-nhan-con-nuoi-o-trung-quoc-4851301.html


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện