Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

“Vướng” quy định của luật, đấu giá tài sản gặp khó

  

00:13 04/12/2020

Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) 2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017 đã tạo “sân chơi” lành mạnh cho các phiên đấu giá, hạn chế tối đa nạn cò mồi. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh đã cho thấy một số bất cập.


Toàn cảnh phiên đấu giá đất ở khu quy hoạch Đồng Đình và Đồng Trộp tại Thạch Châu (Lộc Hà) với 350 khách hàng tham gia (13/11/2020).

Sau hơn 3 năm thực hiện Luật ĐGTS 2016, hoạt động ĐGTS trên địa bàn Hà Tĩnh dần đi vào nền nếp, chuyên nghiệp. Việc đấu giá thi hành án, tài sản là tang vật vi phạm hành chính, tài sản giao dịch góp phần nâng cao chất lượng thi hành án dân sự, bảo đảm cho các bản án, quyết định của tòa án được hiệu quả.

Hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện đúng trình tự, công khai, minh bạch; hạn chế tối đa khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai và giải phóng mặt bằng. Từ tháng 10/2019 đến nay, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) đã ký 96 hợp đồng dịch vụ đấu giá; tổ chức đấu giá thành 108 cuộc; số tiền thu được trên 275 tỷ đồng; vượt giá khởi điểm trên 43,5 tỷ đồng.


Cán bộ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh hướng dẫn các thủ tục đăng ký tham gia cho khách hàng

Dù vậy, công tác triển khai thi hành Luật ĐGTS trên thực tế vẫn còn bất cập, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức hành nghề đấu giá và khách hàng trong quá trình tham gia.

Đấu giá lô đất tại khu quy hoạch Đồng Trộp (xã Thạch Châu, Lộc Hà) bằng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, anh Phan Mạnh Hoàng (Lộc Hà) chia sẻ: “Ngày 10/11, tôi gửi hồ sơ gồm đơn đăng ký, chứng từ nộp tiền đặt trước và phiếu trả giá đến Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (DVĐGTS) tỉnh. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện thủ tục, tôi cùng rất nhiều người khác đã nhầm lẫn về mốc thời gian nộp tiền đặt trước”.


Một phiên đấu giá do Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh tổ chức

Đây cũng là điều Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh (Sở Tư pháp) Nguyễn Mạnh Quỳnh và Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) Nguyễn Thị Thu Hoài trăn trở.

“Khoản 2 Điều 38 Luật ĐGTS quy định tổ chức ĐGTS bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá kể từ ngày niêm yết đấu giá đến trước ngày mở đấu giá 2 ngày. Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 39 của luật này, tổ chức ĐGTS chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá... Điều này dẫn đến thông báo đấu giá sẽ có nhiều mốc thời gian: thời gian bán hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; thời gian nộp tiền đặt trước; thời gian tổ chức đấu giá... khiến khách hàng dễ nhầm lẫn. Với quy định này, khách hàng có khi chỉ đăng ký rồi xem xét tình hình mới nộp tiền đặt trước nên vẫn xảy ra hiện tượng thông đồng, dìm giá, dẫn đến đơn vị tổ chức đấu giá cũng mất thời gian trong xác định ai đã nộp tiền đặt trước để đủ điều kiện tham gia” - bà Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết.


Khách hàng tham gia đấu giá được hướng dẫn ghi các thông tin trên phiếu trả giá

Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh viện dẫn quy định tại khoản 4, Điều 43 Luật ĐGTS để phân tích thêm những bất cập. Theo đó, khi có từ 2 người trở lên cùng trả giá cao nhất, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp để chọn ra người trúng đấu giá. Nếu có người trả giá cao nhất không đồng ý đấu giá tiếp, sẽ tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá.

“Điều này chưa phù hợp với nguyên lý đấu giá - “đấu đến cùng” để chọn được người trả mức cao nhất mà chỉ phụ thuộc vào may rủi. Nghĩa là người thắng cuộc có thể trả giá vừa phải khi gặp may mắn; trong khi người muốn trả ở mức cao hơn không được lựa chọn” - ông Quỳnh phân tích.


Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh chia sẻ về những vướng mắc trong quy định của luật.

Ngoài ra, theo một số tổ chức hành nghề ĐGTS trên địa bàn, quy định về mức thù lao và tỷ lệ hưởng % vượt giá còn thấp, không đáp ứng chi phí thực tế của các tổ chức hành nghề đấu giá; không khuyến khích các tổ chức bán vượt giá tăng cao dẫn đến phát sinh tiêu cực, thất thoát tài sản công. Quy định đối với quyền lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá của người đại diện chủ tài sản công không đảm bảo khách quan, công bằng…

Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Bộ Tư pháp cần kịp thời có hướng xử lý vướng mắc để Luật ĐGTS được thực hiện đồng bộ; sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 45/2017 (quy định khung thù lao dịch vụ ĐGTS theo quy định của Luật ĐGTS) và Thông tư 48/2017 (quy định chế độ tài chính trong hoạt động ĐGTS) để phù hợp với thực tiễn.

Theo Baohatinh.vn


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện